Siêu đại kiện tướng Lê Quang Liêm: Đời và cờ

(NLĐO) - Kỳ thủ số 1 Việt Nam Lê Quang Liêm cho rằng chính quyết định theo học Đại học Webster (Mỹ) bằng nguồn học bổng toàn phần của ngôi trường có hơn 100 năm lịch sử này đã mang đến bước ngoặt trong sự nghiệp của anh.

Năm 2011, Lê Quang Liêm lần đầu nhận lời tham dự Giải cờ vua quốc tế do Đại học Webster đăng cai với sự góp mặt của nhiều hảo thủ trên thế giới. Đây là sự kiện thể thao do Học viện cờ vua tài năng Susan Polgar (SPICE) - trực thuộc Đại học Webster - sáng lập và bảo trợ nên giải cũng mang tên gọi SPICE Cup.

liem story 1Lê Quang Liêm giành chức vô địch SPICE Cup 2015

Đoạt chức vô địch năm 2011 và một năm sau đó tiếp tục giành ngôi á quân SPICE Cup, Lê Quang Liêm được chính Đại học Webster đề nghị trao suất học bổng toàn phần để theo học tại trường trong 4 năm. Chính sách thu hút nhân tài của các trường đại học Mỹ rất rõ ràng đối với du học sinh toàn cầu, nhất là với những người có năng khiếu vượt trội về một lĩnh vực cụ thể. Lê Quang Liêm khi ấy đã có tên trong nhóm siêu đại kiện tướng (Elo từ 2.700 trở lên) và là kỳ thủ Việt Nam duy nhất đạt được cột mốc thành tích này. Ở thời điểm nhập học vào mùa thu 2013, Lê Quang Liêm còn mang thêm vinh dự về cho ngôi trường này khi vừa giành được danh hiệu vô địch thế giới nội dung cờ chớp.

Trong 4 năm tại Webster, ngoài việc học văn hóa ở hai chuyên ngành khoa học tài chính và nghệ thuật quản lý, Lê Quang Liêm còn là thành viên tích cực của Học viện cờ SPICE do cựu vô địch thế giới Susan Polgar làm giám đốc. Vừa có điều kiện tiếp xúc, nghiên cứu các tài liệu quý về cờ vua tại Học viện, anh vừa nhận trọng trách đội trưởng đội cờ vua ĐH Webster ba mùa liên tiếp vô địch Final Four, giải đấu giữa những đội cờ mạnh nhất các trường đại học toàn liên bang.

liem story 3Lê Quang Liêm đối đầu cùng "vua cờ" Gary Kasparov

"Những năm tháng tại ĐH Webster đã giúp tôi rèn giũa nhân cách, tạo dựng cho mình phong cách sống và cả bản lĩnh nghiệp cờ. Ở đó, tôi quen biết rất nhiều bạn đồng học nay là đồng nghiệp với tư cách bạn cờ lẫn đối thủ cờ, ngoài Wesley So từng xếp số 2 thế giới với Elo trên 2.800, còn có George Meier (Đức), Ray Robson (Mỹ) hay Vasif Durabayli (Azerbaijan)… Vài người trong số này hiện thỉnh thoảng nhận lời làm trợ lý cho tôi ở các giải đấu lớn. Đây là vị trí rất quan trọng đối với một kỳ thủ, vai trò của trợ lý chỉ sau HLV. Tôi không có điều kiện thuê một HLV lâu dài và chọn cách mời các kỳ thủ có đẳng cấp, hệ số Elo ngang bằng hoặc thấp hơn một chút để họ xem xét, nghiên cứu các ván đấu và giúp chuẩn bị mọi thứ để tôi có thể yên tâm tham dự giải.

liem story 4Bạn đồng học Wesley So (đứng) có lúc xếp số 2 thế giới

Khi theo học ở ĐH Webster, tôi thuê nhà ngay tại bang Missouri trong suốt 4 năm. Có lẽ quen với nếp sống, con người nên sau khi ra trường, tôi vẫn ở đây và dự định sống lâu dài tại Missouri. Tôi có thể thường xuyên tới thăm cô giáo Susan Polgar, nhờ cô tư vấn các vấn đề về cờ và ngược lại, thỉnh thoảng cô mời tôi tham gia giảng dạy vài khóa của Học viện với tư cách cựu sinh viên và là cựu đội trưởng đội cờ!

liem story 5Người bạn đời sắp sang Mỹ ở cùng với Lê Quang Liêm

Nhiều người vẫn hỏi thăm, sau khi tốt nghiệp 2 chuyên ngành đại học và học thêm khóa Quản lý tài chính, tôi có ý định… chia tay nghiệp thể thao hay không. Thú thật, kiến thức rộng là điều cần có cho bất kỳ VĐV nào và tôi vẫn sẽ gắn bó chặt chẽ với cờ vua lâu đến chừng nào có thể. Hệ số Elo thường xuyên ổn định ở mức trên 2.700 nhưng suốt 8 năm qua, mục tiêu chen chân vào Top 20 thế giới vẫn là điều tôi canh cánh bên lòng. Có mặt trong 20 hạng đầu thế giới đã là điều tuyệt vời nhưng Top 10 mới là điều mọi kỳ thủ luôn hướng tới. Đó là những vị trí nghiễm nhiên được mời tham dự các giải đấu hàng đầu thế giới như World Cup, Grand Chess Tour mà nếu thi đấu tốt, mỗi năm có thể kiếm được khoản thu nhập từ tiền thưởng lên đến vài trăm nghìn USD" - Lê Quang Liêm chia sẻ.

"Trên góc độ thể thao chuyên nghiệp, tôi ủng hộ việc các VĐV theo học ở nước ngoài bằng nguồn học bổng hoặc xuất ngoại thi đấu, vừa có thêm kiến thức văn hóa, vừa trui rèn, tích lũy được kinh nghiệm nghề nghiệp. Bóng chuyền đã có Trần Thị Thanh Thúy, bóng đá có Đoàn Văn Hậu, Nguyễn Công Phượng và chỉ tiếc câu chuyện của bạn Nguyễn Thị Bích Tuyền ở đội bóng chuyền nữ Vĩnh Long hồi nào hay của Nguyễn Diệp Phương Trâm ở đội tuyển bơi TP HCM. Thể thao chuyên nghiệp cần có những con người được đào tạo chuyên nghiệp, đó là nền tảng để phát triển một khi kiến thức của nhân loại là vô bờ bến, cần được tiếp thu và chuyển đổi thành vốn sống phong phú, đáp ứng được nhu cầu tập luyện, thi đấu mỗi ngày" – siêu đại kiện tướng đầu tiên và duy nhất đến nay của cờ vua Việt Nam bộc bạch.

liem story 6Lê Quang Liêm lần đầu tiên giành chức vô đich cá nhân châu Á cờ tiêu chuẩn

Điều đáng tiếc nhất trong năm 2019, với Lê Quang Liêm, chính là việc anh bị "quên" quá nhanh những đóng góp vô cùng to lớn cho cờ vua Việt Nam. Ngoài việc tái lập thành tích vào đến Top 16 kỳ thủ hàng đầu tại ở World Cup 2019, Liêm cũng đi vào lịch sử với tư cách kỳ thủ nam đầu tiên của Việt Nam giành được ngôi vô địch cá nhân châu Á. Ngoài việc giữ vững tư cách siêu đại kiện tướng (Elo từ 2.700) năm thứ 9 liên tiếp, anh còn nhiều lần được mời đích danh tham dự và thi đấu thành công tại các giải quốc tế mở rộng uy tín tại Mỹ, UAE, Anh, Nga, Romania…

liem story 7Lê Quang Liêm chỉ giành HCB cờ chớp tại SEA Games 30

Tính toán có đôi chút sơ sẩy về điểm rơi phong độ và chỉ giành được HCB nội dung cờ chớp ở SEA Games 30, siêu kỳ thủ này không nhận được bất cứ đề cử nào tại các cuộc bầu chọn toàn quốc cuối năm dành cho các VĐV thể thao. Với một kỳ thủ chuyên nghiệp như Quang Liêm, anh không quá bận tâm đến điều này nhưng với người hâm mộ cờ vua Việt Nam, đó là điều hết sức bất công so với những cống hiến của kỳ thủ 28 tuổi này.

Đông Linh - Ảnh: Châu Minh