“Nữ Hoàng Cờ Tướng” - Ngô Lan Hương

~ Phạm Mạnh Thừa ~

Cờ tướng là một trò chơi vừa để giải trí, vừa để rèn luyện tư duy. Cờ tướng chứa đựng tinh hoa nhân sinh được người xưa đúc kết hàng trăm năm. Song môn thể thao trí tuệ này dường như vẫn chỉ mặc định dành riêng cho nam giới đã có từ rất lâu.

Thời kỳ sau giải phóng, ở thập niên 80, hình tượng “Con gái mà chơi cờ tướng là thấy không được rồi. Học cái gì hay ho, cái tốt không học mà lại học cái trò chơi cờ bạc, suốt ngày lê la ngoài đường... muốn trở thành nữ tướng à!” đó là câu nói thường nghe của các cụ ngày xưa dành cho phái nữ. Cô bé 14 tuổi là một trong số ít những người bị gắn cho cái mác “con gái mà chơi cờ tướng” và cô đã vượt qua mọi định kiến để rồi trở thành một “tượng đài nữ vĩ đại” của Cờ Tướng Việt Nam với hàng loạt kỷ lục - chiến tích huy hoàng mà theo thời gian sẽ khó có một nữ kỳ thủ nào sẽ vượt qua được. Cô được mọi người gọi là “Nữ Hoàng Cờ Tướng Việt Nam; Cô bé ấy chính là Đặc cấp Quốc tế Đại sư – NGÔ LAN HƯƠNG

Ngô Lan Hương sinh ngày 01/12/1979 tại Chợ Lớn, quận 5 trong một gia đình nghèo gốc Hoa 3 đời thuộc nhóm Quảng Đông.

Mọi người trong giới cờ gọi Ngô Lan Hương là “Nữ Hoàng” do những thành tích và kỷ lục mà cô đã đạt được trong suốt 21 năm thi đấu đỉnh cao 1996-2017 (2018 Lan Hương không tham dự vì đang định cư ở Singapore, năm 2019-2021 do dịch nên không thể về VN thi đấu):

· 10 lần Vô địch Quốc gia (giai đoạn 2001 đến 2013) đồng thời lập kỷ lục 7 lần vô địch liên tiếp (2005-2011);
· 2 lần đoạt huy chương bạc giải Vô địch Cờ Tướng Thế Giới (2007, 2009);
· Huy chương vàng ASIAN INDOOR GAMES 2007;
· 2 lần đoạt huy chương vàng giải Vô địch Cờ Tướng Châu Á 2011, 2013;
· 2 lần đoạt huy chương bạc giải Vô địch Cờ Tướng Châu Á (2008, 2012);
· 2 lần đoạt huy chương đồng giải Vô địch Cờ Tướng Châu Á (2002, 2006);
· Huy chương bạc Cờ Tướng Đại Hội Thể Thao Trí Tuệ Thế Giới 2011;
· Huy chương bạc cá nhân và huy chương đồng đồng đội nữ tại giải Cờ Tướng Đại Hội Thể Thao Trí Tuệ Thế Giới 2008;
và vô số những huy chương các loại khác không thể nào liệt kê hết ra đây mà Lan Hương đã giành được tại các giải vô địch đồng đội, đấu thủ mạnh toàn quốc.

Nhìn vào bảng thành tích đồ sộ choáng ngợp đó, biết bao người ngưỡng mộ nhưng có mấy ai thấu hiểu được cái vất vả, khổ cực, chấp nhận đương đầu vượt qua mọi khó khăn thử thách của “Nữ Hoàng” cờ tướng Việt Nam.

Sau đây tôi xin kể cho tất cả mọi người về “cuộc đời và sự nghiệp” của Ngô Lan Hương mà tôi quen biết từ hồi còn là cô bé 14 tuổi. Có thể tôi không thể kể hết và chính xác cuộc đời, cũng như không thể diễn tả hết những nỗi niềm tâm sự của cô; nhưng qua bài viết này mọi người sẽ biết được, hiểu được một phần nào về cuộc đời của “Nữ Tướng” Ngô Lan Hương.

Thuở ban đầu

Sinh trưởng trong một gia đình gốc Hoa nghèo tại Q5, TPHCM; Khác với nhiều bạn gái cùng trang lứa, ngay từ nhỏ Hương đã sớm bộc lộ niềm say mê đặc biệt với cờ tướng từ khi còn là một cô bé học lớp 6 lớp 7 và niềm say mê đó đã lan tỏa trong căn chung cư nhỏ của gia đình, “pà pá”, “mà má” ủng hộ việc chơi cờ của cô, dẫu sao đó cũng là một môn giải trí, rèn luyện tư duy truyền thống lâu đời của người Hoa mà.

Chính vì thế mà năm 14 tuổi, cô bé Ngô Lan Hương đã được HLV Dương Thanh Danh phát hiện từ giải cờ tướng học sinh của quận nhà. Thế nhưng, người có công dẫn dắt đưa cô đạt được đỉnh cao sự nghiệp chính là Quốc tế Đại sư Diệp Khai Nguyên. Chỉ một năm sau, Lan Hương đã có tên trong đội trẻ thành phố tham dự giải cờ tướng nhi đồng – thiếu niên – trẻ toàn quốc tổ chức lần đầu tiên ở Hà Nội vào năm 1994. Vốn dĩ bị chứng bệnh “say tàu, say xe” nên cô bé Lan Hương cứ nằm li bì như chết 3 ngày 2 đêm trên chuyến tàu từ Sài Gòn ra Hà Nội, rồi ói mửa từ lúc lên xe từ ga Hàng Cỏ về đến chỗ ở. Cô bé Lan Hương không đạt thành tích gì ở năm đầu tiên tham dự, đó là một chuyến đi học hỏi kinh nghiệm của cô cho những trận thi đấu lớn sau này.

Thời kỳ tập luyện cùng với hai danh sư: sư phụ và sư huynh.Trở về thành phố, Lan Hương lao vào tập luyện chăm chỉ với hai danh thủ Diệp Khai Nguyên và Dương Thanh Danh, sẵn có tố chất của một kỳ thủ đỉnh cao và niềm đam mê tập luyện, nên chỉ trong một thời gian ngắn cô đã trở thành vận động viên nữ đầu đàn của quận 5 và thành phố khi tuổi đời còn trẻ. Năm 1995, Lan Hương đi thi đấu xa nhà - Đà Nẵng; Năm đó cũng là năm mà Ngô Lan Hương cùng đồng đội Vũ Thị Thu phải thi tốt nghiệp THCS vào lớp 10. Cả 2 phải mang theo bao nhiêu sách vở để vừa thi đấu vừa ôn bài. Ở chung phòng, cùng tập luyện, cùng ôn bài tuy vất vả nhưng đối với Lan Hương đó là một kỷ niệm khó quên trong lứa tuổi học trò của cô. Cái cảm giác lần đầu tiên được xúng xính đầy tự hào trong bộ áo thi đấu đồng phục của tuyển thành phố, lần đầu tiên Lan Hương cùng với đồng đội Ngọc Thảo, Thị Thu... được ăn món chè “xà-vẳn” mà mãi đến bây giờ cũng không tìm đâu thấy, lần đầu tiên được đi thăm Ngũ Hành Sơn, phố cổ Hội An, sông Hàn v.v… với bao nhiêu cảnh đẹp hùng vĩ mở ra trước mắt cô học sinh lớp 9. Kết thúc Đại hội TDTT năm đó Lan Hương xếp hạng 4 cá nhân, một thành tích đáng khích lệ ban đầu đối với cô. Để rồi sau đó liên tiếp trong 2 năm 1996, 1997 Lan Hương đã có tấm huy chương vàng cá nhân toàn quốc ở lứa tuổi trẻ 18 nữ, đánh dấu sự thành công nhanh chóng sẽ đến với cô 4 năm sau, năm 2001.

Ngô Lan Hương kể lại rằng cô rất may mắn khi được hai danh sư Diệp Khai Nguyên và Dương Thanh Danh truyền thụ cho tất cả bí kíp võ công của họ cho mình. Cả hai đều là danh thủ tài cao, đức trọng, không có những thị phi xấu ngoài đời đã giúp cho cô hiểu thế nào là một kỳ thủ chân chính, phải biết phấn đấu cho mục tiêu mà mình đã chọn.

ngolanhuongstory1ảnh (từ trái qua) các thày Dương Thanh Danh, Diệp Khai Nguyên, Lê Thiên Vị, Trần Tấn Mỹ

Cô nhớ lại hình ảnh gầy gò của sư phụ Dương Thanh Danh mà cô gọi là thầy, hàng ngày đạp chiếc xe đạp cà tàng đến nhà dạy cờ cho cô ở thời kỳ đầu tiên bất kể trời mưa hay nắng cứ đến giờ học là có mặt thầy, hình ảnh đó cô không thể nào quên được cho dù mấy chục năm đã trôi qua. Và người có công lớn dẫn dắt cô chinh phục đỉnh cao chính là Quốc tế Đại sư Diệp Khai Nguyên mà cô quen gọi là anh (sư huynh) chứ không gọi là thầy. Tôi đã từng hỏi: “Tại sao gọi Diệp Khai Nguyên là anh chứ không gọi là Thầy?. Nhớ giải trẻ năm 1994, em còn gọi là Thầy mà”. Lan Hương trả lời: “có lẽ do bạn Vũ Thị Thu, chị Nguyễn Hoàng Ngọc Thảo, chị Trần Thị Ngọc Thơ đều gọi là “anh Nguyên” nên gọi theo, đến nỗi quen miệng luôn lúc nào cũng không nhớ rõ nữa….”. Tại các giải toàn quốc, mỗi lần Lan Hương thi đấu đều có sự song hành của sư huynh Diệp Khai Nguyên đi theo phân tích, chuẩn bị khai cuộc cho cô trước những ván đấu quan trọng giành huy chương. Có lần vào buổi tối, tôi gọi điện rủ Khai Nguyên đi uống café thì Khai Nguyên trả lời là “đang bận việc, lát nữa Nguyên gọi lại”… mãi đến 2 tiếng sau mới thấy Khai Nguyên đến phòng kêu đi uống café, hỏi ra là đang chuẩn bị cờ cho Lan Hương.

Trong quãng thời gian thập niên 90, phong trào cờ tướng thành phố bấy giờ có rất nhiều kỳ đài cờ đã được mở ra ở các quận 5, 10, 11, Bình Thạnh... thu hút nhiều kỳ thủ mọi miền đến công đài. Được sự động viên của sư phụ và sư huynh nên Lan Hương cũng không phải là người ngoại lệ mặc dù “ra kỳ đài đánh toàn đàn ông con trai, nhìn cũng kỳ kỳ, với lại người ta chọc ghẹo ghê lắm...”. Ngô Lan Hương đã có lần tâm sự như thế với cánh phóng viên nhà báo khi tìm đến nhà phỏng vấn viết bài sau những lần cô đi thi đấu quốc tế thành công trở về. Trong những lần công đài như thế, cô cũng làm khốn đốn các danh thủ đài chủ thời bấy giờ với lối ra quân bài bản, nhuần nhuyễn của danh sư Diệp Khai Nguyên được biệt danh là quyển “tự điển khai cuộc” của tuyển nam thành phố thời bấy giờ. Chiến tích huy hoàng của cô chính là hạ bệ đài chủ do cố Đặc cấp Quốc tế Đại sư Trương A Minh giữ đài ở kỳ đài Bình Thới, Quận 11 làm cho mọi người yêu cờ có mặt tại kỳ đài hôm đó hết lòng khen ngợi, nên biết vào thời điểm đó thì Đặc cấp Quốc tế Đại sư Trương A Minh đã chấp “Diệt Tuyệt Sư Thái” Lê Thị Hương tới 1 quân Mã. Theo các chuyên gia cờ tướng Việt Nam, Ngô Lan Hương đã sớm tự tạo cho mình kiểu chơi rất bài bản, chú trọng sự bình ổn ở khai cuộc, đánh giá chính xác tình huống về thế cờ trung cuộc để có được những nước cờ tàn cuộc hiểm.

Những bậc thang

“Những bậc thang ví như những bước đi thời gian của một đời người. Thời gian luôn luôn tiến về phía trước, giống bậc thang luôn lên cao cho tới điểm đích cuối cùng. Người bước lên từng bậc thang, có khi vội vã vì sức còn khỏe, có khi từ từ vì cảm thấy thư thái, có khi lê từng bước vì sức đã mệt, nhưng những nấc thang vẫn hiện hữu cùng thời gian và vẫn chạy về phía đích đến cuối cùng.”

Đối với Lan Hương ngày ngày đi bộ từ tầng 2 đi xuống và từ dưới đất lên tầng 2 của chung cư nhỏ Trần Hưng Đạo để đi học, tập cờ... là công việc thường xuyên của cô. Cô thuộc nằm lòng những bậc thang đó cho dù chung cư cúp điện vào các buổi tối ở thời kỳ khó khăn và kể cả lúc sau này mỗi lần về Việt Nam thăm bà, bố mẹ, các cháu khi đã lập gia đình sinh sống ở nước ngoài. Những bậc thang đó là niềm vui và cũng là gánh nặng trách nhiệm đặt lên đôi vai nhỏ bé của cô.

Nhớ lại những ngày đầu tiên vào đội tuyển, khi hoàng hôn bắt đầu đổ xuống thì những bậc thang tối mờ ảo hàng đêm từ lầu 1 đến lầu 6 của Trường năng khiếu nghiệp vụ TDTT thành phố, 43 Điện Biên Phủ đã trở nên quen thuộc đối với Lan Hương. Những bậc thang đó đã chuyên chở niềm vui nhỏ bé của cô bé 17 tuổi, cô cảm thấy sung sướng khi đến kỳ lương nhận được những đồng tiền công tập luyện hàng tháng ít ỏi về đưa bố mẹ lo trang trải cuộc sống mưu sinh. Những bậc thang đó gắn liền với kỷ niệm ban đầu của cô với biết bao nhiêu mồ hôi, bao nhiêu lần dừng lại ít phút để thở vì mệt... và cảm thấy sung sướng vui mừng như các chị Hương, chị Thơ, bạn Thảo, bạn Thu khi đặt chân lên tới bậc thang cuối cùng của lầu 6.

Và cô bé Lan Hương không thể ngờ rằng những bậc thang thể thao đầu tiên đó đã gắn liền theo suốt cuộc đời của cô theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Bản lĩnh nhà vô địch: phấn đấu vượt qua số phận

Khi đã thành danh đạt biết bao nhiêu thành tích, kỷ lục để trở thành một tượng đài nữ của làng cờ tướng Việt Nam. Đa số mọi người đều nghĩ rằng con đường sự nghiệp của Lan Hương đều trải hoa hồng như gặp được danh sư, được gia đình ủng hộ, được thành phố quan tâm đầu tư v…v… mà không biết rằng để đạt được điều đó Lan Hương đã phải tự lập rất sớm, đã phải hy sinh rất nhiều thứ từ niềm vui của tuổi trẻ đến quên đi những sở thích riêng của mình để mang lên vai gánh nặng “trụ cột chính” của gia đình; Đến khi tìm được hạnh phúc riêng của đời mình, Lan Hương vẫn tiếp tục làm cô “Ốc sên” vác trên mình chiếc vỏ nặng nề bước về phía trước. Dù có gian khổ thế nào cô cũng không thể từ bỏ nó, chiếc vỏ đã gắn chặt vào cuộc đời của cô là TRÁCH NHIỆM và SỐ PHẬN đã dành cho cô. Bởi lẽ chỉ một điều đơn giản xuất phát từ trái tim “cô yêu gia đình nhỏ bé của mình”.

Năm Lan Hương vừa tròn 18 tuổi, cô không thể theo đuổi được việc học giống như những bạn bè khác đồng trang lứa mà trở thành trụ cột gia đình nuôi bố mẹ và bà nội của mình. Với số tiền lương thu nhập của đội tuyển không thực sự cao thời bấy giờ nên cô phải làm đủ mọi việc từ kế toán quán ăn, phục vụ khách sạn đến tiếp thị quảng cáo cho các nhãn hàng để kiếm thêm thu nhập nhưng không có nhiều thời gian để có một việc làm cố định bởi cô hay phải thi đấu xa nhà.

Đến năm 2002 (19 năm trước), anh ruột của cô đã mang đứa con mới sinh mấy tháng tuổi về cho ông bà nội chăm sóc rồi đến năm 2005 lại mang tiếp đến cho ông bà thêm một đứa cháu trai và hai vợ chồng anh ruột cô đi lên Bình Dương làm công và không ghé về nhà cũng không hề chu cấp tiền sữa hàng tháng cho con của mình vì quá nghèo. Thế là cô lại vác thêm một gánh nhỏ của đời mình, nuôi thêm 2 cháu.

Chính vì những khó khăn gian khổ đã đó đã tôi luyện cho cô phải cố gắng tập luyện nhiều hơn để làm sao trở thành nhà vô địch quốc gia, có huy chương quốc tế để nhận được số tiền thưởng từ Tổng cục – Sở TDTT Thành phố. Năm 2001, Lan Hương đã vượt qua đàn chị Lê Thị Hương để đoạt chức quán quân nữ tham dự giải thế giới, mặc dù quyết tâm nhưng cô không đạt thành tích như mong muốn.

Đến năm 2002 nụ cười đã nở trên môi cô với tấm huy chương đồng giải vô địch cờ tướng Châu Á ở Malaysia, về nước được nhận hơn chục triệu đồng tiền thưởng từ Tổng Cục & Sở TDTT TPHCM, đó là một số tiền lớn nhất mà cô được lãnh thời bấy giờ. Nỗi lo cơm áo gạo tiền cho gia đình trước mắt của cô đã được yên tâm phần nào.

Trong cuộc sống đôi lúc đòi hỏi sự công bằng cũng là một điều xa xỉ, nhất là trong lãnh vực thể thao bởi vì bàn tay con người có ngón ngắn ngón dài đâu có ngón nào bằng nhau đâu. Và cô biết rằng tất cả các giải châu á, thế giới chỉ chọn có một nữ tham dự và ưu ái bên nam sẽ chọn nhiều hơn. Từ trong tiềm thức của cô suy nghĩ là “muốn có sự công bằng thì phải là người mạnh nhất, giỏi nhất, đứng ở vị trí cao nhất của bục phát thưởng thì tự nhiên công bằng sẽ đến với mình nhiều hơn”. Thế là cô lao vào tập luyện chơi cờ trên mạng nhiều hơn và nhờ sư huynh Diệp Khai Nguyên chỉ giáo thêm. Thấy con cực khổ vì gia đình nên mẹ không cho cô làm luôn việc nữ công gia chánh, do đó cô rất sợ vào bếp làm cơm vì sợ nấu ăn không ngon. “Từ nhỏ đến lớn tôi chẳng phụ gì được cho mẹ cả, chỉ biết đi làm, đi học cờ về là ngồi vào bàn ăn đồ ăn mẹ nấu” đó là câu trả lời thường xuyên với các báo đài khi cô được phỏng vấn, cô cười xòa thú nhận. Cô đóng vai trò như một người đàn ông trong gia đình suốt hơn hai chục năm qua. Không có cô, căn chung cư nhỏ tại khu phố người Hoa với ông bà nội, bố mẹ và các cháu nhỏ không biết xoay xở thế nào.

ngolanhuongstory5Lan Hương trong một trận đấu Giao hữu Việt - Trung 2008

Niềm vui bất tận

Mặc dù năm 2002, Ngô Lan Hương từng giành huy chương đồng châu Á song phải đến khoảng thời gian kể từ năm 2006 đến 2013, cô mới thật sự trở thành một kỳ thủ quốc tế hàng đầu. Năm 2006, Hương đoạt huy chương đồng châu Á sau khi đánh bại Á quân thế giới Cao Ý Bình.

Để nâng cao kỳ nghệ, Lan Hương đã lấn sân và thử sức tranh tài ở giải cờ tướng dành cho nam và tại giải cờ tướng TP Hồ Chí Minh mở rộng hồi tháng 7/2007, Lan Hương đã lập thành tích nổi bật là không thua một ván nào trước các kiện tướng mạnh ở giải nam.

Trong năm 2007 ấy Ngô Lan Hương đã chơi cực kỳ ấn tượng tại Giải vô địch thế giới; Thủ hòa danh thủ nổi tiếng thế giới người Trung Quốc là Ngũ Hà và thắng Cao Ý Bình (Đài Loan). Theo như lời kể của Lan Hương thì năm đó đáng lẽ cô vô địch khi Cao Ý Bình (Đài Loan) đã thắng thế thượng phong trước Ngũ Hà (Trung Quốc), nếu thắng hoặc hòa là Việt Nam sẽ vô địch. Lan Hương nói lúc đó Trần Tuấn Hồng (HongKong) nói với Lan Hương là “không vô địch đâu, chắc chắn Cao Ý Bình sẽ thua Ngũ Hà vì Trung Quốc và Đài Loan không cho Việt Nam vô địch”. Cuối cùng Cao Ý Bình đã buông cờ thua trước sự chứng kiến của rất đông khán giả, đúng như lời Tuấn Hồng nói, mặc dù vậy Lan Hương cũng chẳng buồn “vì lần đầu tiên chưa có ai đi giải thế giới nằm trong top 3 nên đối với cô hạng nhì là mừng lắm rồi…”.

Ảnh Ngô Lan Hương trong trận đấu với Cao Ý Bình và khi nhận huy chương bạc Giải vô địch thế giới lần thứ 10 - 2007 (nguồn ảnh: internet)

Cũng năm đó, Ngô Lan Hương giành tấm huy chương vàng đầu tiên cho đoàn Thể thao Việt Nam tại Đại hội Thể thao trong nhà châu Á lần II tại Macau; Cũng là năm mà hình ảnh Ngô Lan Hương tươi cười nâng cao tấm huy chương vàng và biểu tượng đặc trưng của giải tràn ngập các báo thể thao với hàng loạt tin nhắn, điện thoại phỏng vấn của các phóng viên. Cô được người yêu cờ hâm mộ và ca tụng chiến tích khi đả bại được các nữ kỳ sư Trung Quốc, cường quốc thống trị thế giới Cờ Tướng bấy lâu nay. Tiếp bước thành công ấy, năm 2008 ngay tại Trung Quốc, Ngô Lan Hương giành tiếp HCĐ Đại hội thể thao trí tuệ thế giới. Năm 2009 đoạt huy chương bạc giải Vô địch Cờ Tướng Thế Giới tại Sơn Đông, Trung Quốc. Cô ngất ngây hưởng chiến thắng trong niềm vui bất tận. niềm vui nối tiếp niềm vui.

macau2007 06Ngô Lan Hương giành huy chương vàng Asian Indoorgames 2007

Nổi buồn “Lan Hương”

Năm 2010, Lan Hương lại tiếp tục đoạt ngôi vị quán quân nữ lần thứ 6 liên tiếp tại Giải vô địch cờ tướng toàn quốc. Thay vì được tuyển thẳng đi tham dự các giải quốc tế như hàng năm thì năm đó cô phải thi đấu tuyển chọn với các vận động viên nữ đạt hạng nhì, ba cá nhân tại giải vô địch quốc gia. Bởi vì năm đó thay vì chỉ có một giải quốc tế là giải Vô địch Cờ Tướng Châu Á tại Malaysia thì lại có thêm giải Đại Hội Thể Thao Châu Á lần thứ 16 (ASIAD 16) tổ chức tại Quảng Châu, Trung Quốc.

Giải tuyển chọn được tổ chức tại Trung Tâm huấn luyện TDTT Quốc Gia II vào tháng 7/2010 nhằm tuyển chọn vận động viên tham dự giải Vô địch Châu Á tại Malaysia, còn ASIAD thì Lan Hương đã được Liên Đoàn Cờ Việt Nam chọn đi chính thức bởi lúc đó cô là người có phong độ ổn định và giàu thành tích nhất so với các vận động viên ở thời điểm đó. Kết quả giải tuyển chọn, cô vẫn tiếp tục đứng nhất và được Liên Đoàn Cờ Việt Nam gửi danh sách tham dự chính thức cả 2 giải với cái tên: Ngô Lan Hương, đơn vị: Việt Nam.

Nước mắt năm 2010

“ASIAD 16 – Đội tuyển Việt Nam đăng ký Cờ Tướng lấy huy chương vàng??”.

Trước khi tham dự ASIAD 16, các Liên Đoàn và các bộ môn của Tổng Cục muốn tham dự đều phải đăng ký chỉ tiêu có huy chương mới được tham dự và ưu tiên cho những môn đăng ký huy chương vàng. Với sự tham mưu của ban huấn luyện đội tuyển quốc gia đã chọn ra 4 kỳ thủ mạnh nhất tham dự ASIAD là Nguyễn Thành Bảo, Lại Lý Huynh, Ngô Lan Hương, Hoàng Hải Bình với chỉ tiêu đăng ký có huy chương vàng và chỉ tiêu đó gắn với cái tên NGÔ LAN HƯƠNG. Theo lý giải của ban huấn luyện ở bảng nam thì Trung Quốc luôn thống trị ở vị trí số 1 khó nước nào có thể vượt qua được với 02 Đặc Cấp Quốc tế Đại Sư là Lữ Khâm và Hồng Trí, dù Thành Bảo lúc đó hay nhất tuyển VN nhưng vẫn chỉ đánh ngang ngửa chứ không vượt trội, còn Lại Lý Huynh là kỳ thủ trẻ mới nổi nên có ít kinh nghiệm bản lĩnh thi đấu quốc tế thì huy chương cá nhân hầu như không có. Cho nên tấm huy chương vàng đó được tự động “gán” cho Lan Hương do cô đã từng đạt huy chương vàng giải Đại hội Thể thao trong nhà châu Á lần II năm 2007, 02 lần đoạt huy chương bạc giải Vô Địch Thế Giới năm 2007 và 2009; thấy cũng hợp lý!

Trong khi đó Ngô Lan Hương không biết rằng mình phải lấy huy chương vàng mà chỉ nghĩ rằng mình cố gắng thi đấu hết sức mình để lấy huy chương về cho quốc gia mà thôi. Do từ trước đến giờ cô chưa bao giờ thắng được Đặc cấp Quốc tế Đại sư Đường Đan và Đặc cấp Quốc tế Đại sư Vương Lâm Na của Trung Quốc, đó là còn chưa kể đến Đặc cấp Quốc tế Đại sư Cao Ý Bình cũng là kỳ thủ nữ hàng đầu Trung Quốc nhập quốc tịch theo chồng là Đặc cấp Quốc tế Đại sư Ngô Quý Lâm (Đài Loan). Việc lấy được tấm huy chương chỉ là 50/50; mà còn lấy vàng là điều khó khăn muôn trùng, chưa kể các kỳ thủ Đường Đan, Vương Lâm Na, Cao Ý Bình (Đài Loan) có quan hệ rất tốt với nhau do trước đây đều là tuyển thủ của Trung Quốc.

Kết thúc ASIAD 16 thì Nguyễn Thành Bảo lấy huy chương bạc còn Lại Lý Huynh đứng hạng 5/18 kỳ thủ. Riêng Lan Hương thì thua Vương Lâm Na và Đường Đan, hòa Cao Ý Bình và thắng các kỳ thủ còn lại và cô xếp hạng 4/8 kỳ thủ tham dự. Việc Lan Hương không lấy được huy chương vàng đã nhận biết bao lời chỉ trích, ánh mắt nhìn lạnh nhạt của lãnh đạo và ban huấn luyện đội tuyển... đồng thời chỉ sau đó một tuần, Liên Đoàn Cờ Việt Nam đã không cử cô đi tham dự giải vô địch cờ tướng Châu Á mà thay thế vị trí nữ xếp hạng nhì tại giải tuyển chọn với lý do là cô không đảm bảo phong độ và không đạt chỉ tiêu thành tích được giao. Cô chua chát nhận xét: “đúng là khi thắng thì thành công đa phần là của người này người kia (HLV, Trưởng Đoàn), thấy chưa đưa đi là đúng mà… khi thua họ chỉ nói về cô. Tại vận động viên không có trách nhiệm và họ không có lỗi gì hết. Chán!!”. Đối với cô đó là một sự bất công, một vết thương lòng thực sự khó phai trong tâm trí mà mọi người không biết rằng một phần nguyên nhân thất bại đó xảy ra từ đâu.

Theo những tư liệu mà tôi sưu tầm được của các phóng viên báo đài viết về sự kiện ASIAD 16 của Ngô Lan Hương thì đa số đều nói về nổi buồn của cô nhưng họ không đề cập đến diễn tiến vì lý do gì mà dẫn đến thất bại, vì chuyên môn yếu kém, vì phong độ không ổn định hay là vì bất ổn về tâm lý!?… Họ chỉ viết chung chung theo ngôn phong của báo chính thống mà không đề cập đến vấn đề mà Lan Hương đã từng tâm sự với tôi trong những lần đi thi đấu.

- PV Kỳ Quân: “Vững vàng là thế nhưng cũng có lúc, cô như muốn quỵ ngã khi bị quy trách nhiệm cho một thất bại đơn thuần trong thể thao. Đó là tại ASIAD 16 năm 2010, Ngô Lan Hương được kỳ vọng sẽ đem về chiếc huy chương vàng cờ tướng đầu tiên cho Việt Nam ở đấu trường Asian Games. Tuy nhiên, cuối cùng chị đã thất bại. Từ chỗ là người được tung hô, Ngô Lan Hương chỉ nhận được nhưng cái nhìn lạnh nhạt, không một lời an ủi, động viên, không một cái xoa đầu như những VĐV nước ngoài vẫn thường hay nhận được từ những người thầy sau thất bại của họ. Dễ hiểu vì sao năm 2010 là năm đáng buồn nhất trong sự nghiệp chơi cờ của chị…"

- PV Nguyễn Vân: “Có lẽ phải hơn 6 tháng, Ngô Lan Hương lặng lẽ chìm vào quên lãng của độc giả, trừ chức vô địch giải cờ tướng quốc gia nữ làm gợn lên chút “sóng” trên mặt báo những ngày đầu tháng 3/2011. Thất bại ở Asian Games trong sự kỳ vọng của hàng triệu người hâm mộ, năm 2010 trở thành năm buồn nhất trong sự nghiệp chơi cờ của nữ kỳ thủ đầy cá tính này…. Tuy nhiên, với cờ tướng, cuộc đời của Lan Hương không chỉ có màu hồng. Đó là quy luật chung của thể thao mà bất cứ VĐV nào cũng đều phải chấp nhận. Bên cạnh những niềm vui là nước mắt của sự tủi hờn và cả cái giá sẽ phải trả cho thất bại, dẫu đó là điều không ai muốn. Với nữ kỳ thủ đã từng được kỳ vọng sẽ đem về chiếc huy chương vàng cờ tướng đầu tiên cho Việt Nam ở đấu trường Asian Games, dễ hiểu vì sao năm 2010 là năm đáng buồn nhất trong sự nghiệp chơi cờ của chị. Trước đó, cái tên Ngô Lan Hương được người ta tung hô bao nhiêu, thì sau đó người ta lại lạnh nhạt với chị bấy nhiêu. Không một lời an ủi, động viên, không một cái xoa đầu như những VĐV nước ngoài vẫn thường hay nhận được từ những người thầy sau thất bại của họ. “ Người ta thấy tôi vẫn tỏ ra bình tĩnh sau những thất bại, cười và trả lời phỏng vấn. Song tôi là đứa hay tủi thân. Tôi khóc với gia đình tôi, bạn bè tôi, và với chính mình nữa, khi có những lời lẽ đổ tất cả trách nhiệm lên đầu mình. Với họ, tôi chính là người đã đập vỡ giấc mơ huy chương vàng Asian Games cho môn cờ tướng”, Lan Hương nói trong xúc động. Mắt chị rưng rưng nhớ lại nỗi buồn chưa nguôi dẫu ngày đã cũ.

Cuộc đời kỳ thủ không phải lúc nào cũng suôn sẻ, cũng mắc sai lầm, lâu lâu cũng phải có vấp ngã, cũng phải bị trọng thương... Tuy nhiên có những vết thương cứ cứng đầu, bám mãi trong tim và có những nỗi đau không dễ dàng xóa, càng muốn rũ bỏ, chúng lại càng mang hình hài rõ ràng. Theo thời gian có những nỗi đau rất lì lợm không chịu biến mất thì vẫn có những thứ không cần phải quên và “Nữ Hoàng Cờ Tướng” Ngô Lan Hương ở trong số ít kỳ thủ đó.

asiad16 99Nỗi buồn "Lan Hương" tại Asiad - Quảng Châu 2010 (ảnh NPT)

Cuộc sống vốn dĩ không công bằng, hãy học cách thích ứng

Ngô Lan Hương biết được điều đó khi bị gạch tên khỏi đội tuyển, không được tham dự giải Vô Địch Đồng Đội Châu Á vào cuối năm 2010. Chính điều đó đã thôi thúc cô phải mạnh mẽ hơn để khẳng định chính mình.

Ngày 06/3/2011, Lan Hương đăng quang ngôi vị quán quân nữ giải Cờ Tướng Hạng Nhất Quốc Gia tại Nhà Thi Đấu Phú Thọ, TPHCM. Cô chính thức lập được kỷ lục của làng cờ tướng nữ Việt Nam với 07 lần liên tiếp (2005-2011) và danh hiệu “Nữ Hoàng Cờ Tướng” được xuất hiện kể từ khi đó.

Ngay khi vừa kết thúc giải ở nhà thi đấu Phú Thọ, có phóng viên đến xin phỏng vấn Lan Hương và có hỏi rằng trong cuộc đời thi đấu của mình có kỷ niệm gì buồn, bức xúc không? Lan Hương trả lời nếu cô nói ra thì có đăng lên báo không? Đáp trả lời: “có chứ, ngôn luận mà”. Sau đó có một phóng viên nữ cũng xin đến nhà phỏng vấn và cũng hỏi câu tương tự như thế và Lan Hương nói “phát biểu rồi có dám đăng không?”. Đáp: “Chị yên tâm, sẽ đăng những gì chị phát biểu…”. Thế mà, khi báo phát hành thì không có đoạn phát biểu đó và từ đó trở về sau Lan Hương hầu như tránh né hết các cuộc phỏng vấn trực tiếp của báo đài với một câu gọn lõn “không có gì để nói”. Cô đã không tin vào những người cầm bút, có thể cô không biết vì lý do tế nhị nào đó mà phóng viên không dám đưa lên ngôn luận vì sợ ảnh hưởng đến nghề nghiệp của họ, cũng có thể trước khi đưa lên báo họ sẽ xác minh coi việc đó có đúng không và họ nhận được câu trả lời là “không đúng” hoặc là “đừng đăng vì sẽ ảnh hưởng đến môn cờ tướng…” hoặc là “có thể ảnh hưởng đến cô sau này…”. Và họ có muôn vàn lý do không đăng và cũng không cần phải thông báo cho cô. Vì họ còn phải quay cuồng với những bài viết phóng sự khác để báo tiếp tục lên khuôn.

Vậy kỷ niệm nào buồn? câu nói nào mà Lan Hương phát biểu lại không đăng? Xin được nghe tâm sự của Lan Hương dưới đây:

- Kỷ niệm buồn nhất là sự thất bại của cô tại giải ASIAD 16 và bị gạch tên không được cử đi tham dự giải Vô Địch Đồng Đội Châu Á năm 2010.

- Còn câu nói nào mà Lan Hương phát biểu lại không đăng? Chính là cô kể lại câu chuyện ở ván cuối cùng khi đối đầu với Cao Ý Bình (Đài Loan). Trước khi vào thi đấu, cô nhớ rất rõ HLV nói “Nếu em không thắng ván này, không lấy huy chương (hạng 3) thì ông XXX nói sẽ đổi tên người đi Châu Á”. Có lẽ đây là một hình thức động viên, thử thách để cho Lan Hương quyết tâm hơn vào thi đấu?? nhưng đối Lan Hương đó là một tin quá sốc!... Nên ngay lúc đó cô đã gọi điện thoại về cho HLV Diệp Khai Nguyên là Trưởng bộ môn cờ quận 5, cũng là người quản lý chính của Lan Hương ở thành phố để báo tin tìm hiểu và nhận được câu trả lời động viên trấn an của sư huynh “hãy tập trung vào thi đấu đừng nghĩ về nó, hãy yên tâm đi...”. Tuy nhiên, với tâm trạng bất an, áp lực tâm lý đè nặng, cô vào thi đấu không thể nào tập trung được nên cô đã bị Cao Ý Bình bức hòa và sau đó cô nhận được những lời chỉ trích, những ánh mắt lạnh lùng mà trước đây đã từng quan tâm vui mừng khi cô từng đạt huy chương châu Á, thế giới; họ đã dùng những lời lẽ đổ tất cả trách nhiệm lên đầu cô. Và cô đã khóc!!. Có lẽ trên chuyến bay Quảng Châu – Tân Sân Nhất là chuyến bay dài nhất và buồn nhất trong cuộc đời thi đấu của cô.

Cuộc đời này chẳng qua là một ván cờ ta không thể không chơi: Đánh sai một nước bạn sẽ mất tất cả!

Sau sự cố buồn năm 2010... Vậy thì, đứng lên hay tiếp tục nằm khóc? Nằm khóc không phải là tính cách của cô, cô chọn cách đứng lên. Sẽ tự mình vượt qua cú sốc đó để chinh phục con đường đã lựa chọn. Cô không muốn lập lại cú sốc đó lần thứ hai trong cuộc đời mình, chỉ có người dám đứng lên sau những lần vấp ngã mới thành công. Bởi cuộc đời của cô là một ván cờ, sai một ly đi một dặm.

Năm 2011, qua cuộc tuyển chọn thì Lan Hương đạt hạng nhất và cô chọn tham dự giải Vô Địch Cờ Tướng Châu Á từ ngày 31/10 đến 4/11 tại Macau và giải Đại Hội Thể Thao Trí Tuệ Thế Giới từ ngày 09/12 đến 16/12 tại Bắc Kinh và Nguyễn Hoàng Yến đại diện Việt Nam thi đấu giải Vô Địch Thế Giới. Mặc dù giải Thế Giới danh giá hơn rất nhiều giải Châu Á nhưng Lan Hương lại chọn đi giải Châu Á đến nỗi HLV Diệp Khai Nguyên (không vui lắm) hỏi cô “sao Hương không chọn đi giải Thế Giới?” và cô chỉ trả lời “thích đi Macau hơn”. Ai dè việc lựa chọn vì thích đó đã làm cho cô lập nên kỳ tích.

Với kết quả thật đáng kinh ngạc khi Ngô Lan Hương giành huy chương bạc Cờ Tướng Đại Hội Thể Thao Trí Tuệ Thế Giới và huy chương vàng giải Vô địch Cờ Tướng Châu Á, soán ngôi vị độc tôn của các kỳ thủ Trung Quốc trong hơn 30 năm. Cô đã nhìn thấy những khuôn mặt hớn hở, nụ cười rạng rỡ vui như “tết” trên những gương mặt của Ban Huấn Luyện và Trưởng Đoàn. Đồng thời có những bài báo viết tiếp về cô dựa trên những tư liệu cũ và thành tích mới đạt của cô bởi vì cô đang ở một nơi nào đó chia sẻ niềm vui riêng với bạn bè, xin “miễn tiếp khách”.

Ngô Lan Hương nhận chức vô địch châu Á năm 2011 tại Macau (ảnh trên)
và bảo vệ thành công chức vô địch châu Á năm 2013 tại Úc (ảnh dưới)

Tìm bình yên nơi những điều bình dị

Trong cuộc sống bộn bề lo toan và mệt mỏi giữa cuộc đời tấp nập. Đôi lúc muốn khóc mà không khóc được, muốn cười mà không cười được. Lúc đó cô lại đi tìm sự bình yên nơi những điều bình dị nhất đó là về nơi quen thuộc có mái ấm gia đình, có những cánh tay ôm cô vào lòng, cùng vui đùa và chia nhau miếng bánh sinh nhật với các cháu hoặc được ngồi tâm sự với bạn bè, đồng đội với câu nói vui đại khái như là “hôm nay chỉ uống vài lon thôi... không say không về ?” mà chả có lần nào cô say cả.

Những lần thi đấu đạt thành tích trở về nhận được tiền thưởng kha khá cô thường mua bánh về biếu bà nội, cha mẹ và quà cho các cháu, đồng thời mời bạn bè đến chung vui với mình. Mỗi lần gặp mặt, Lan Hương thường gửi một món quà nho nhỏ cho chị Lê Thị Hương lo cho con ăn học... chính vì thế mà bạn bè, đồng đội đội tuyển cờ thời kỳ đầu tiên đều yêu mến và rất quý Lan Hương. Bởi vì dưới cặp mắt của họ, cô là một người con rất hiền, hiếu thảo với ông bà, bố mẹ, đồng thời cũng là một người bạn rất tốt thường hay giúp đỡ người khác đó là nhận xét của đàn chị Trần Thị Ngọc Thơ khi nói về cô: “…có những thứ Lan Hương cho đi mà không mong đền đáp. Có những giúp đỡ mà Lan Hương không bao giờ chờ nói lời cảm ơn. Chính vì thế nên Lan Hương không sắm sửa được gì riêng tư cho mình. Rất tự trọng, không lợi dụng ai cả, lại xinh xắn đáng yêu, nói chung ở Lan Hương xứng đáng là nhà vô địch Việt Nam đức độ vẹn toàn”. Và đó là điều hạnh phúc đơn giản nhất của “Nữ hoàng Cờ Tướng” Ngô Lan Hương đón nhận được.

Yêu bầu trời cao vì yêu gia đình

Trước đây có những bài báo viết về cô tôn thờ chủ nghĩa “xê dịch” ngay từ lúc nhỏ với niềm “vui sướng không gì tả nổi”. Đó là lý do chính đưa cô đến với cờ tướng chứ không phải do được ấn định bởi gốc gác hay sự thúc ép của người lớn. Nhưng tôi lại nghĩ theo một hướng khác - đó là cô không muốn bị gò bó, bị nhốt trong một cái lồng khoảng hơn 30 mét vuông giam hãm. Cuộc sống của cô là bầu trời cao ở ngoài kia để cho cô chinh phục những ước mơ của mình, để hy vọng thắp sáng một tương lai tốt đẹp hơn cho cuộc sống khó khăn của gia đình. Có kỳ thủ chỉ mất 3 giây để nói “Tôi yêu nó” nhưng phải mất cả đời để chứng minh điều đó... và cô cũng nói “Tôi yêu nó” nhưng chỉ để chứng minh một điều là “Cô yêu gia đình của mình biết dường nào”. Chính điều đó đã làm cho cô phấn đấu mạnh mẽ hơn để trở thành một tượng đài sừng sững cho lớp kỳ thủ trẻ noi gương.

ngolanhuongstory2Cờ và cuộc đời (ảnh Nguyễn Á)

Bông hồng cài áo

“Lan Hương rất hiếu thảo với bố mẹ, thương con và các cháu.” đó là nhận xét của sư tỷ Ngọc Thơ, sư muội Minh Tuyền, sư đệ Văn Thi... đã nói về cô như thế.

Cô được sinh ra trong một gia đình nghèo nhưng được sống trong vòng tay yêu thương của mẹ từ khi biết đi chập chững đến khi cô bập bẹ hoàn chỉnh 2 chữ “mà má”. Khi lớn lên, cô luôn cảm thấy hạnh phúc khi bước chân về nhà với cảm giác “mỗi khi chân tôi chạm mặt đất, tôi biết rằng mẹ tôi đang ở cạnh. Tôi biết rằng cái thân này không phải của riêng tôi mà nó là sự tiếp nối của mẹ cha, của ông bà, của tổ tiên. Những dấu chân tôi tưởng của tôi, thực ra là của cả hai chúng tôi. Tôi và mẹ cùng để lại dấu chân trên mặt đất. Tôi yêu mẹ. Tôi yêu hai bàn chân thô ráp của mẹ đã từng song hành với tôi khi chập chững biết đi, biết chạy. Tôi yêu hai bàn nhăn nheo đã dắt tôi những ngày đến trường học làm người ”.

Chính vì thế cô đã làm tất cả, sẵn sàng hy sinh tất cả từ dang dở việc học đến những thú vui riêng tư của bản thân để chăm sóc ngôi nhà nhỏ của mình. Bạn bè học xưa kia của cô nay đã thành danh người thì bác sĩ, kỹ sư, người thì quản lý, trưởng phòng doanh nghiệp, còn riêng cô suốt 25 năm trôi qua vẫn đứng yên tại chỗ trung thành với 5 chữ “vận động viên thể thao”.

Ngày đại lễ Vu Lan, cô sung sướng vì còn mẹ để yêu thương, để chăm sóc lại mẹ vì cô nhớ lại những ngày khổ cực xưa kia, nhớ lại những món ăn ưa thích mà mẹ nấu cho cô những khi đi học về. Cô tự hào vì còn được gắn “bông hồng cài trên ngực áo” mà có rất nhiều người hằng mơ ước.

Mặc dù đã tìm được hạnh phúc riêng của đời mình, đã có con, sống hạnh phúc bên gia đình nhỏ êm ấm ở Singapore nhưng cô vẫn chăm sóc chu toàn cái ăn cái mặc, tiền thuốc thang cho bố mẹ, tiền ăn học cho hai cháu trong suốt chục năm qua. Thu nhập đội tuyển của cô được trao lại cho bố mẹ, đồng thời hàng tháng cô đều gửi thêm về từ nguồn thu nhập đi làm bên Singapore mới đủ trang trải cuộc sống cho bố mẹ và các cháu. Kỳ thủ cờ tướng vốn dĩ đã khó khăn thử hỏi có mấy ai làm được giống như cô?

Tôi nhớ năm 2017, Lan Hương đi thi đấu Giải Vô địch Cờ Tướng đồng đội toàn quốc ở Đà Nẵng. Lan Hương đã dẫn con gái nhỏ 2 tuổi và bố mẹ đi theo giải. Sau khi đấu xong là cô vội vã về phòng để lo dẫn gia đình đi ăn, chiều tối là dẫn bố mẹ, con gái đi tham quan khung cảnh thành phố. Lúc nào cô cũng nở nụ cười khi bế con gái nhỏ cho dù thua hay thắng, ân cần hỏi bố mẹ hôm nay cháu có quậy không? Cô tâm sự rằng “trước đây muốn dẫn bố mẹ đi chung nhưng do 2 đứa cháu còn nhỏ quá không ai chăm sóc và phải đi học nên không dẫn bố mẹ đi được, mãi đến hôm nay mới có dịp. Nói chung hạnh phúc nhất là có bố mẹ đi theo đánh giải động viên thôi, mà còn có cả đứa con yêu nữa”.

ngolanhuongstory4Ngô Lan Hương cùng với ba, mẹ và con giái

Có lẽ được nghe đâu đó những câu chuyện về gánh nặng của Lan Hương phải lo cho gia đình nên Trưởng Bộ môn Cờ TPHCM đã thể hiện nghĩa cử đẹp đặc biệt dành riêng cho cô - người đã đóng góp rất nhiều thành tích và là gương mặt tiêu biểu nổi bật của cờ tướng thành phố, “miễn phí tiền phòng cho gia đình cô trong suốt thời gian thi đấu giải”.

Đối với cô... Hạnh phúc không phải là một vấn đề cá nhân, không thể chỉ hưởng hạnh phúc riêng của mình được, người mà mình thương khổ đau thì phải làm cho người đó hết khổ và có hạnh phúc lúc đó mình mới có hạnh phúc chân thật. Đó là tiếng chuông chánh niệm tạo hạnh phúc cho mình.

“Cho con... gánh cả đôi vai,
Thân cò lặn lội sớm mai vai gầy.
Mẹ ơi sóng biển dạt dào,
Con sao gánh hết công lao một đời.
Bông hồng cài áo đúng nơi,
Đâu bằng bông hiếu giữa trời bao la.
Cho con gánh lại mẹ già,
Để sau người gánh chính là con con...” (Gánh Mẹ)

Câu chuyện Tình yêu: “Có Duyên mới gặp – Có Nợ mới Yêu”

Lan Hương là một người sống rất hòa đồng, thoải mái nói chuyện trên trời dưới đất với bạn bè nhưng về chuyện tình cảm thì cô khép kín không tâm sự với ai. Khi cô thành danh ở lứa tuổi đôi mươi đã có rất nhiều người ái mộ cô trong đó có các kỳ thủ nam. Lan Hương suy nghĩ đắn đo không dám mở cửa trái tim đón nhận bởi vì gánh nặng gia đình với bố mẹ và các cháu, người đó phải là một người sẵn sàng đồng cảm yêu thương chia sẻ gánh nặng gia đình với cô. Bạn bè của cô lần lượt lập gia đình, kẻ lấy chồng, người lấy vợ... khi gặp cô đều hỏi chừng nào lấy chồng? có tình yêu chưa? Nếu chưa tao giới thiệu cho mày... những lúc đó Lan Hương chỉ cười phá lên cho không khí nó rôm rả, hưởng ứng với mọi người nhưng họ không biết được trong lòng cô như thế nào…

“Xin đừng hỏi vì sao tôi biết được
Bởi miệng cười nhưng mắt có cười đâu”

Theo thời gian, mọi người cứ tưởng cô theo “chủ nghĩa độc thân” để lo gia đình thì đùng một cái vào ngày đẹp trời tháng 4/2012 các thầy, bạn bè, đồng đội bất ngờ nhận được thiệp báo tin vui lên xe hoa của cô. Cô đã tìm được một nửa của đời mình, thực sự yêu thương cô và gia đình cô sau một thời gian dài chú ý và theo đuổi cô.

Trước đây có một bài báo viết về mối tình của “Nữ Hoàng” Cờ Tướng Việt Nam xin được trích đoạn như sau:

“…Khi bất ngờ vượt qua Trần Lệ Thuần - danh thủ Trung Quốc để giành ngôi vô địch tại ĐH thể thao châu Á trong nhà năm 2007, giữa một rừng hoa và những lời chúc tụng, Hương không hề để ý tới đôi mắt vô cùng thán phục của Khang Đức Vinh, một chàng trai người Singapore (cũng gốc Hoa) dành cho mình. Những tưởng đấy chỉ là sự quan tâm bình thường của một đồng nghiệp ngoại quốc mà thôi, nào ngờ suốt 3 năm ròng rã, Khang Đức Vinh kiên trì theo đuổi, trước tiên với tư cách một người bạn, người anh; mối quan hệ đôi bên (chủ yếu qua những dòng thư điện tử, trò chuyện qua điện thoại, chat…) dần trở nên thân thiết. Từ món quà đầu tiên là một lọ nước hoa, rồi tới những bộ quân cờ đẹp mà chàng sưu tầm được sau những chuyến đi, trao đổi những tài liệu cờ tướng mới - nghiên cứu của các danh kỳ thế giới - mà chàng lấy làm đắc ý, cứ thế 2 người ngày càng trở nên gắn bó hơn. Chàng chỉ thật sự ngỏ lời khi 2 bên gặp nhau tại giải vô địch thế giới năm 2009, nhưng cũng phải gần 1 năm sau nàng mới chấp nhận…”

Khi nói về đoạn này, tôi có hỏi Ngô Lan Hương bài báo viết có đúng không? Cô trả lời thực ra chồng cô (Khang Đức Vinh) đã nói với cô là anh ấy đã ấn tượng với cô tại giải Cờ Tướng Châu Á năm 2002 khi đối đầu với nữ kỳ thủ Tô Doanh Doanh của Singapore. Ván đó Tô Doanh Doanh nắm phần thắng đến 90% thế mà Ngô Lan Hương lại làm được không tưởng, thủ HÒA lấy luôn huy chương đồng cá nhân tại giải và kể từ khi đó anh ấy luôn theo dõi cô mà lúc đó cô không biết gì đến Khang Đức Vinh là ai. Đến năm 2005, Tô Doanh Doanh có nhắc lại ván cờ hòa đó thì cô nói thực sự là không nhớ và không có ấn tượng gì, sau này thầy Lê Thiên Vị đã đăng ván cờ đó trên báo Thể Thao Thành Phố là “Chuyện thật như đùa”. Và cô nghĩ ván cờ năm 2002 đó là cái “Duyên” của cô vậy. Cô nhớ lại năm 2009, Khang Đức Vinh rủ cô đi shopping, cô còn ngại phải có thầy Lê Thiên Vị và thầy Hoàng Đình Hồng mới đi cùng.

Có người nói về tình yêu như sau : “Sa mạc còn có thể nở hoa. Yêu xa có gì là không thể” và chính nhờ vào sự kiên trì của Khang Đức Vinh đã làm lay động trái tim cô. Từ đó, năm nào Khang Đức Vinh cũng vài lần… thầm lặng sang Việt Nam thăm cô và gia đình. Cô cảm nhận được tình yêu của anh dành cho cô là thật lòng, chăm sóc bố mẹ, các cháu của cô như một người quen thân thiết rất lâu. Anh ấy sẵn sàng đồng cam cộng khổ chia sẻ gánh nặng gia đình nhỏ của cô, đối với cô thế là đủ. Bởi vì cô biết rằng “Hạnh phúc... không phải là được nhiều người yêu. Mà là được một người yêu rất nhiều.” Đối với cô “Hạnh phúc là những điều giản đơn và bình dị, đơn sơ, đời thường nhất của cuộc sống, không cần phải bằng những lời bay bổng có cánh như trong tiểu thuyết, văn chương, hay những bài thơ”.

ngolanhuongstory3

Ngày 26/4/2012, hôn lễ của cô được tổ chức trang trọng tại TPHCM trong niềm vui của tất cả bè bạn, gia đình và các thầy, đồng đội đến chúc phúc... và thế là

…Họ nhẹ nhàng thêu dệt những ước mơ
Xây hạnh phúc tình yêu thương cuộc sống
Lặng lẽ hiến dâng như muôn trùng con sóng
Ru đất trời mãi mãi mấy ngàn năm…

9 năm đã trôi qua, “Nữ Hoàng Cờ Tướng Việt Nam” sống yên vui hạnh phúc trong đại gia đình của chồng và của bố mẹ ruột. Cô nói: “Niềm hạnh phúc lớn nhất đời tôi chính là nữ thiên thần bé nhỏ năm nay được 6 tuổi: đó chính là kết quả của cuộc tình thơ mộng bao năm theo đuổi của anh yêu.”.

Ở lứa tuổi 42, cô tự ý thức được sức cờ của mình đã chững lại, nhất là trước sự vươn lên, tiến bộ không ngừng của các kỳ thủ đàn em như Cao Phương Thanh, Nguyễn Hoàng Yến... Sự đam mê trong cờ của cô vẫn cháy bỏng như ngày nào, nhưng gánh nặng gia đình ngày càng đè nặng trên vai: đứa con gái nhỏ 6 tuổi chuẩn bị đi học cấp I, đứa cháu lớn 19 tuổi đậu Đại Học chuyên khoa CNTT, đứa cháu nhỏ 16 tuổi học cấp III lại mê CNTT. Cô tâm sự: “Phải chuẩn bị đóng tiền học cho tụi nhỏ đây. Phải cố gắng thôi anh Thừa, nhưng cũng mừng là hai đứa cháu đều học rất giỏi…” cô tự hào khoe như thế.

Khi tôi hỏi về dự tính tương lai phía trước của cô. Cô trả lời: “có thể trong một tương lai gần sẽ ngưng thi đấu để chăm lo cho gia đình, vì bây giờ đang định cư ờ Singapore. Dù vậy, chừng nào cờ tướng Việt Nam còn cần Hương thì tôi vẫn sẽ gắng sức, ít nhất cũng để giúp tạo thêm động lực phấn đấu cho các kỳ thủ trẻ…”

Ở cái tuổi của Lan Hương bây giờ, người ta đủ chín chắn để suy nghĩ về một cuộc sống gia đình ổn định, hơn là những vinh quang hào nhoáng của một thời tuổi trẻ. Vì thế, sẽ chỉ có tiếc nuối, chứ không bất ngờ, nếu một ngày nào nữ kỳ thủ đã từng đem về những thành tích lẫy lừng cho làng cờ Việt nói với chúng ta về quyết định chia tay niềm đam mê của cô; Âu đó cũng là lẽ thường tình trong thế giới thể thao vốn nhiều hào quang nhưng cũng lắm tủi hờn này.

ngo lan huong vo dich giai co tuong indoorgame2007

PMT - Saigon 20/9/2021