Kể chuyện cờ tướng P9: Độc Cô Cửu Kiếm

Mai Thanh Minh được xem người đi tiên phong mang cờ Tướng Việt Nam hội nhập cùng làng cờ thế giới...

Với những thành tích nhiều lần đọat chức vô địch quốc gia , là kỳ thủ Việt Nam đầu tiên đọat giải Phi Hoa Duệ và được phong danh hiệu Quốc tế Đại sư , Mai Thanh Minh được làng cờ tôn vinh gọi ông là Độc Cô Cửu Kiếm...

017

Con nhà tông , không giống lông cũng giống cánh

Mai Thanh Minh sinh ngày 07/03/1957, cùng tuổi với Trần Quới, là con thứ tư của ông Mai Văn Phú- người gốc Nam Định. Ông Phú vốn rất mê cờ từ khi còn ở quê nhà, sau này làm cho sở Trường tiền thì gia nhập làng cờ Hà Nội, quen thân với các cao thủ đất Thăng Long như Nguyễn Thi Hùng, Trương Trọng Bảo, Đặng Đình Yến, Nguyễn Tấn Thọ.. Trình độ lúc đó của ông Phú rất khá, thuộc lòng các chiêu thức trong Quất trung bí và Mai hoa phổ. Năm 1954, ông Phú vào Nam làm ở Sở Trường tiền Gia Định được bố trí nhà ở trong khu vực đỗ xe gần lăng Ông Bà Chiểu nên ông có điều kiện quen biết Lý Anh Mậu,Quách Anh Tú và một số anh em làng cờ Gia Định. Mai Thanh Minh được cha dạy cờ lúc mới 10 tuổi, hai người anh trai của Minh cũng biết chơi nhưng không ai đam mê. Chỉ có Minh hưởng được gien di truyền mạnh mẽ của cha nên từ khi theo nghiệp cờ thì không thể nào dứt ra được.

Mùa xuân năm 1979, Quận Phú Nhuận tổ chức giải vô địch cờ tướng , Mai Thanh Minh đã giành giải nhất một cách xuất sắc. Ngày đó, Minh vừa mới đi Thanh niên Xung phong về, đang điều trị bệnh sốt rét, mặt vàng như nghệ, thân hình gầy nhom, thỉnh thoảng lên cơn sốt run cầm cập. Thời gian này Minh rất tích cực luyện cờ, tìm gặp cao thủ Nguyễn Văn Tòng và thầy Ba Thái Văn Hiệp để học lý thuyết. Minh cũng thường đến nhà cao thủ bậc thầy đồng hương Pham Thanh Mai để được ông chỉ điểm, nâng cao công lực.

Năm 1985, TPHCM tổ chức giải cờ Tướng khu vực phía Nam. Trần Quới mặc dù chơi xuất sắc nhưng với thể thức tranh giải mới lạ, có đồng hồ chuyên dùng, đấu thủ phải tự ghi biên bản nên Quới thua Nguyễn Văn Xuân và hòa Lê Bỉnh. Mai Thanh Minh tận dụng ngay cơ hội, vượt lên đoạt chức vô địch. Từ đó Minh chính thức bước vào hàng ngũ những cao thủ hàng đầu đất Sài Gòn. Nhưng phải 7 năm sau nữa Mai Thanh Minh mới thực sự vang danh thiên hạ tại giải toàn quốc lần thứ nhất.

Nhà vô địch Việt Nam đầu tiên

Sau khi đất nước thống nhất được 17 năm , giải vô địch cờ tướng toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1992 tại Đà Nẵng. TPHCM cử đội tuyển gồm các cao thủ: Nguyễn Bá Hùng, Dương Nghiệp Lương, Mông Nhi, Dương Thanh Danh, Mai Thanh Minh và Diệp Khải Nguyên tham dự. Trận chung kết giữa Trần Văn Ninh (Đà Nẵng) và Mai Thanh Minh quyết định ai là nhà vô địch đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất. Ván cờ hay và cuốn hút tới mức hàng trăm người bên ngoài chen lấn cố sức đẩy ào cửa để tràn vào xem, BTC vất vả lắm mới đẩy lùi được họ ra ngoài. Kết quả Trần Văn Ninh thua và Mai Thanh Minh đã đi vào lịch sử cờ Tướng Việt Nam với tư cách là nhà vô địch đầu tiên.

Liên tiếp các năm sau đó 1993-1994-1995 , Mai Thanh Minh 3 lần đem chức vô địch quốc gia về cho TPHCM và làng cờ Sài Gòn gọi ông là Tứ Liên Bá. Năm 1998 Minh lại đọat ngôi vương và lập kỷ lục qua 7 lần tổ chức giải vô địch tòan quốc thì ông đã 5 lần giành được ngôi cao nhất, đây là một thành tích mà phải đến năm 2008 thì danh thủ Trềnh A Sáng (TPHCM) mới vượt qua được !

Người đại diện làng cờ mang chuông đi đánh xứ người

puta-3

Cố danh thủ QTĐS Mai Thanh Minh trong ván đấu gặp ĐC ĐS Liễu Đại Hoa (Trung Quốc) tại Cúp Phương Trang 2009.

Hùng bá làng cờ trong nước và được phong tặng danh hiệu Độc Cô Cửu Kiếm, Mai Thanh Minh nhiều lần khóac áo đội tuyển Việt Nam tham dự các giải quốc tế. Đặc biệt năm 1993 , lần đầu tiên cờ Tướng Việt Nam hội nhập cùng làng cờ thế giới qua giải vô địch thế giới tổ chức tại Bắc Kinh , trọng trách mang chuông đi đánh xứ người được đặt lên vai Mai Thanh Minh và đồng đội . Và tại giải này, Mai Thanh Minh đã không phụ lòng khán giả mộ điệu cả nước khi xuất sắc đoạt giải Phi Hoa Duệ , trong đó có những ván đấu bức hòa hai đặc cấp đại sư Trung Quốc là Từ Thiên Hồng và Triệu Quốc Vinh, khiến quần hùng thế giới kinh ngạc, thán phục. Báo chí Trung Quốc đã đưa tin về giải này, có viết: “Việt Nam bất ngờ xuất hiện trên kỳ đàn như một chú ngựa ô dũng mãnh. Rồi đây họ sẽ là đối thủ đáng gờm nhất của cờ Tướng Trung Quốc”.

Đối với Mai Thanh Minh, ông được xem là người tiên phong trong thời kỳ hội nhập, với những thành tích quốc tế như sau :

- Năm 1993 : Hạng nhất Phi Hoa Duệ - hạng 10 cá nhân tại Giải vô địch cờ tướng thế giới lần 3 tại Bắc Kinh , hạng 6 Giải các danh thủ châu Á lần thứ 6 tại Thái Lan.

- Năm 1994 : hạng nhì đồng đội cùng Trương Á Minh, Trần Văn Ninh và Mông Nhi tại Giải Đồng đội Châu Á lần thứ 8 tại Macau. Sau giải này Mai Thanh Minh được phong danh hiệu Quốc tế Đại sư.

- Năm 1995: hạng 11 tại Giải vô địch cờ tướng thế giới lần thứ 4 tại Singapore , hạng 7 tại Giải cờ tướng các danh thủ Châu Á lần thứ 7 tại Malaysia.

- Năm 1997: hạng nhất Phi Hoa Duệ - hạng 4 cá nhân tại Giải vô địch cờ tướng thế giới lần thứ 5 tại Hongkong.

- Năm 1998: hạng 10 Giải Phật Thừa Bôi tại Hawaii được thưởng 3.000 USD , hạng nhì đồng đội tại Giải đồng đội Châu Á lần thứ 10 tại Giang Tô.

- Năm 1999 : hạng 3 Giải Phật Thừa Bôi tại Hawaii, được thưởng 19.000 USD( trong đó có 3.000 USD để làm từ thiện).

- Năm 2001 : hạng 3 đồng đội tại Giải vô địch cờ tướng thế giới lần thứ 7 tại Macau.

Mai Thanh Minh đột ngột từ trần sau cơn tai biến mạch máu não vào năm 2010 khi mới 53 tuổi ! Ông để lại cho làng cờ nhiều học trò xuất sắc như QTĐS Nguyễn Trần Đỗ Ninh , QTĐS Trần Chánh Tâm , KTQG Nguyễn Nhật Duy....