PGS. TS. Lưu Đức Hải
Nguyên thành viên Tiểu ban Huấn luyện, Liên đoàn Cờ Việt Nam
Vô địch cờ Vua quốc gia 1980
Diến biến chung của giải HDBank 2014
Từ ngày 10 đến 15/3/2014 tại khách sạn RAMANA Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Giải cờ Vua quốc tế HDBank 2014. Tham dự giải này bao gồm 80 kỳ thủ đến từ 16 quốc gia: Úc, Trung quốc, Hungary, Indonesia, Ấn độ, Kazakhstan, Malaysia, Myanmar, Philippines, Nam Phi, Nga, Singapore, Uganda, Ukraine, Uzbekistan và nước chủ nhà Việt Nam đông nhất với 51 kỳ thủ.
Đây là giải cờ Vua quốc tế thường niên do một trong những ngân hàng danh tiếng hàng đầu ở Việt Nam - HDBank phối hợp với Liên đoàn Cờ Việt Nam đồng tổ chức; năm 2014 là năm thứ tư tổ chức giải này.
Đây được coi là giải rất mạnh bởi rating trung bình của 80 kỳ thủ là 2249, với 13 đại kiện tướng quốc tế (chiếm 16,25%), 25 kiện tướng quốc tế (31,25%), 12 kiện tướng FIDE (15%), 3 dự bị kiện tướng (4%) và 27 kỳ thủ khác (chỉ chiếm 33,5%). Kỳ thủ có rating cao nhất là Lê Quang Liêm, 2709, Việt Nam (vô địch giải HDBank năm 2013), cao thứ nhì là Ni Hua, 2658, Trung Quốc (vô địch giải HDBank năm 2012), kỳ thủ có rating thấp nhất là nữ thiếu niên 14 tuổi Phạm Hoàng Nhật Anh, 1513, Việt Nam.
Các kỳ thủ thi đấu theo hệ Thụy Sỹ 9 ván, với thời gian thi đấu là 90 phút dành cho mỗi bên và cứ sau mỗi nước đi đồng hồ lại tự động cộng thêm 30 giây cho đấu thủ vừa hoàn thành nước đi. Như vậy trung bình 1 ván cờ thi đấu hết khoảng 4-5 tiếng, vậy mà có 1 ván cờ kỷ lục kéo dài tới 6 tiếng (từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều), đó là ván thứ 7 giữa Phạm Thị Thu Hiền (Việt Nam) và nữ kiện tướng quốc tế Vijayalakshmi Subbaraman (Ấn Độ) với kết quả hòa.
Ngay từ đầu giải, giới chuyên môn nhận định rằng có 4 người có khả năng vô địch giải này, đó là Lê Quang Liêm (đương kim vô địch HDBank 2013), Ni Hua (vô địch HDBank 2012, Trung Quốc), Nguyễn Ngọc Trường Sơn (đại kiện tướng quốc tế, rating cao thứ 3 của giải: 2613) và Zhang Zhong (đại kiện tướng quốc tế, rating cao thứ tư của giải: 2600, Singapore). Trận tranh đua giữa 4 kỳ phùng địch thủ có rating cao nhất giải này bắt đầu diễn ra từ ván đấu thứ 4.
Theo quy định của bốc thăm hệ Thụy Sỹ là những người cùng nhóm điểm sẽ bốc thăm để thi đấu với nhau (bốc thăm tự động trên máy tính). Ở ván thứ 4 đại kiện tướng quốc tế Zhang Zhong gặp Lê Quang Liêm (đang cùng 3 điểm) và kết quả là hòa (cả 2 người cùng đạt 3,5 điểm).
Ván đấu thứ 5 có một sự kiện ngoài dự đoán đã diễn ra, lúc này người cao điểm nhất giải (4 điểm) là kiện tướng quốc tế Nguyễn Đức Hòa, Việt Nam (vô địch cờ Vua quốc gia 2013, rating vào hạng thứ 9 của giải là 2496), sau khi bốc thăm Nguyễn Đức Hòa (4 điểm) gặp Lê Quang Liêm (3,5 điểm). Nguyễn Đức Hòa nguyên là đấu thủ của Cần Thơ, song đã đầu quân cho Kiên Giang trong vài năm gần đây. Kết quả Nguyễn Đức Hòa đã thua Lê Quang Liêm trong ván cờ này.
Ván thứ 6 có 2 bàn cờ thu hút sự chú ý nhiều nhất, đó là ở bàn 1 Lê Quang Liêm (4,5 điểm) gặp Nguyễn Ngọc Trường Sơn (4 điểm), ván cờ được coi là trận chung kết sớm của giải này và bàn 2 Zhang Zhong (4,5 điểm, Singapore) gặp Nguyễn Đức Hòa (4 điểm). Về trận chung kết sớm của giải ở bàn 1 sẽ được bình luận kỹ hơn ở cuối bài viết này với kết quả đầy kịch tính, đó là Liêm hơn 1 Tốt ở cuối trung cuộc, song lại thua Sơn ở cuối ván cờ? Ở bàn 2, Zhang Zhong đã hòa cờ Nguyễn Đức Hòa, người đã góp phần chặn đứng con đường đi tới cúp vàng HDBank 2014 của đại kiện tướng quốc tế người Singapore này với một trận cờ tàn gay cấn và cũng đầy kịch tính không kém ở bàn 1.
Ván thứ 7 là trận đối kháng ở bàn 1 diễn ra giữa Nguyễn Ngọc Trường Sơn và Zhang Zhong. Lúc này có 3 người đạt 5 điểm là Nguyễn Ngọc Trường Sơn, Zhang Zhong và Ni Hua, còn Lê Quang Liêm đạt 4,5 điểm (nhóm này có 7 người đạt 4,5 điểm). Kết quả là 2 đấu thủ đã hòa nhau ở ván cờ này (cả 2 cùng đạt 5,5 điểm).
Ván thứ 8 ở Ni Hua hòa Liêm ở bàn 1 và cả 2 cùng đạt 6 điểm. Ở bàn 2, một trận kịch chiến đã xảy ra giữa Hòa và Sơn, cả 2 kỳ thủ Việt Nam chưa bao giờ đoạt cúp vô địch HDBank, ván cờ diễn ra trong thế hòa, song với quyết tâm chiến thắng, họ đã không nhượng bộ và kết cục Nguyễn Ngọc Trường Sơn giành thắng lợi, đường dẫn đến cúp Vàng của Sơn chỉ còn trong gang tấc! Ở bàn 3 một trận kịch chiến khác giữa Zhang Zhong (Singapore) và Lu Shanglei (Trung Quốc) cũng với kết quả hòa.
Trong suốt 9 ván cờ của giải chỉ có 2 thời điểm có duy nhất 1 người cao điểm nhất giải, đó là ở ván thứ 5 Nguyễn Đức Hòa dẫn đầu với 4 điểm và ván thứ 9 Nguyễn Ngọc Trường Sơn dẫn đầu với 6,5 điểm. Ở ván thứ 9, bàn 1 Sơn gặp Ni Hua, họ đã hòa nhau và Sơn đạt 7 điểm, còn Ni Hua đạt 6,5 điểm. Ở bàn 2 Lê Quang Liêm thắng kiện tướng quốc tế Nguyễn Văn Huy, rating 2414 (Việt Nam, quê Bắc Ninh song đầu quân cho đội Hà Nội), kết quả là Liêm đạt 7 điểm còn Huy đạt 6 điểm. Ở bàn 3 Zhang Zhong (Singapore) thắng đại kiện tướng Gomez John Paul (Philippines) và vươn lên cũng đạt 7 điểm.
Sau 9 ván cờ của giải có 3 kỳ thủ dẫn đầu cùng đạt 7 điểm, song theo quy định tính hạng của điều lệ giải, kết quả như sau:
Cúp Vàng: Nguyễn Ngọc Trường Sơn (7 điểm, ĐKTQT, Việt Nam)
Cúp Bạc: Zhang Zhong (7 điểm, ĐKTQT, Singapore)
Cúp Đồng: Lê Quang Liêm (7 điểm, ĐKTQT, Việt Nam)
Giải tư: Nguyễn Đức Hòa (6,5 điểm, KTQT, Việt Nam)
Giải năm: Yap Kim Steven (6,5 điểm, KT.FIDE, Philippines)
Giải sáu: Ni Hua (6,5 điểm, ĐKTQT, Trung Quốc)
Trong số 7 em thiếu niên nhỏ tuổi nhất tham dự giải này (nhóm U14, gồm 5 Việt Nam và 2 nước ngoài), đáng lưu ý là Nguyễn Anh Khôi (kiện tướng FIDE, rating 2147) xếp hạt nhân thứ 58, vậy mà sau giải đã đạt 5 điểm, vươn lên thứ 28 (vượt 30 bậc, một nỗ lực phi thường!). Bên cạnh đó còn một nữ thiếu niên U14 khác (Việt Nam, đội TP. Hồ Chí Minh) tuy cả giải em chỉ đạt 0,5 điểm, song ý chí kiên cường của em là ở chỗ đã làm nên sự thành công của giải là không có ai thắng tuyệt đối (9 điểm / 9 ván) và cũng không có ai thua tuyệt đối (0 điểm / 9 ván); và một điều đáng ngợi khen nữ kỳ thủ thiếu niên ấy là em đã giành được 0,5 điểm quý giá khi hòa với đấu thủ Trần Quang Khải, một kỳ thủ có rating cao hơn em tới 578 điểm! (ở ván thứ 7). Ván thứ 9 em kịch chiến với cựu vô địch quốc gia hồi thập niên 80 của thế kỷ 20, hơn em tới 400 điểm hệ số, em chỉ chịu thua cờ khi bị chiếu hết ở nước thứ 46 trong những phút cuối cùng ở ván cuối cùng của giải (ván 9) - nữ kỳ thủ ấy là Phạm Hoàng Nhật Anh (U14, Việt Nam, với rating 1513). Đó là những mầm non của đất nước mà có thể trong tương lai không xa sẽ thay thế lớp đàn anh (như Nguyễn Ngọc Trường Sơn, Lê Quang Liêm, Nguyễn Đức Hòa…) hôm nay, đáng được gia đình và xã hội quan tâm, giúp đỡ và tạo điều kiện tốt nhất để các em tiếp tục phát triển.
Trận chung kết sớm giữa 2 đại kiện tướng quốc tế người Việt Nam: Lê Quang Liêm và Nguyễn Ngọc Trường Sơn
Như trên đã nêu ở ván thứ 6 Lê Quang Liêm (4,5 điểm) đã gặp Nguyễn Ngọc Trường Sơn (4 điểm). Ở ván này Lê Quang Liêm có 3 lợi thế lớn: một là rating cao nhất giải (2709), hai là điểm đang cao hơn Sơn 0,5 điểm, ba là khi bốc thăm Liêm được đi trước (và về lý thuyết ít nhất ván này cũng hòa). Liêm còn một ưu thế nữa là đương kim vô địch HDBank 2013, song lợi thế ấy cũng là áp lực khi phải bảo vệ chức vô địch của mình.
Đúng 15h30 ngày 13/3/2014 vòng 6 bắt đầu tiến hành đồng loạt trên 40 bàn cờ. Ngồi ngay bàn đầu tiên (bàn 1) là cặp Lê Quang Liêm - Nguyễn Ngọc Trường Sơn.
Ngay ở nước đi đầu tiên Liêm đã đi: 1. d4, nước cờ mở đầu của “khai cuộc kín”. Liêm chơi cờ từ nhỏ và thường chọn nước đi đầu tiên là 1. e4 “khai cuộc mở”, song đến năm 2002 (lúc 12 tuổi) đột nhiên thay đổi từ lối chơi từ “mở” sang “kín” và phong cách “kín” ấy giữ vững cho đến tận năm 2010. Từ năm 2010 trở đi nước đi đầu tiên của Liêm khi chơi quân trắng có chút thay đổi, hoặc là 1. d4, hoặc là 1. Mf3. Ở trận gặp Sơn lần này Liêm đã chọn lối chơi khai cuộc kín sở trường của mình là 1. d4. Đến đây ván cờ tiếp tục như sau:
1. d4 d5 2. c4 c6 3. Mc3 Mf6 4. e3 e6 5. Mf3 Mbd7
6. Hc2 Td6 7. Te2 0-0 8. 0-0 e5
Ở khai cuộc kiểu này bên trắng thí tốt c4 ở cánh Hậu để rồi sẽ bắt lại ngay sau đó, song bên đen đã không tiếp nhận và bắt đầu phản công ở trung tâm bằng việc đẩy tốt e5 ở nước thứ 8.
9. cxd5 cxd5 10. Mb5 Tb8
11. dxe5 Mxe5 12. Td2 Tg4
Sau 12 nước đi đầu tiên bên trắng tạo ra một thế trận mà ở đó quân tốt d5 của bên đen ở tình trạng thiếu liên kết với các quân Tốt khác, song bên đen lại được bù đắp bằng sự tích cực, thông thoáng của cả 2 quân Tượng ô trắng và Tượng ô đen.
13. Mbd4 Mxf3 14. Txf3 Hd6 15. g3 Txf3
16. Mxf3 Me4 17. Tc3 Xc8 18. Hb3 Mc5
Ở đầu giai đoạn trung cuộc hai đấu thủ đã đổi bớt 2 quân nhẹ (Tượng và Mã) và 2 Tốt. Bên đen đang tìm cách phản công nhanh vào trung tâm, còn bên trắng đang tìm kế hoạch tấn công vào quân Tốt riêng lẻ ở d5 của bên đen. Tuy nhiên quân Xe a8 của Sơn đang rất chậm phát triển và bị ngăn cản bởi quân Tượng b8. Song sau nước đi thứ 18 thể hiện rõ ý đồ của Sơn tập trung toàn bộ lực lượng để phản công vào cánh Hậu của bên trắng, vừa bảo vệ Tốt yếu ở d5.
19. Hb4 He6 20. Hd4 f6
Sau 3 nước đi liên tiếp của quân Hậu trắng: Hb3 (dọa bắt Tốt b7), Hb4 (giằng quân Mã trước mặt Hậu) và Hd4 (nước đi 2 đòn: dọa chiến hết ở g7, đồng thời chặn quân Tốt yếu ở d5 và bắt đầu cuộc tấn công “kinh điển” vào quân Tốt này), đã cho thấy phép sử dụng quân Hậu rất uyển chuyển của Liêm. Song sâu xa hơn cả là Liêm tiếp tục tấn công vào trung tâm nhằm cô lập sự tham gia chậm trễ của quân Xe đen ở a8.
21. Xad1 Me4 22. Hxd5 Hxd5 23. Xxd5
Thật là điêu luyện! Chỉ sau 21 nước đi Liêm đã đưa Sơn vào thế trận mà quân Tốt yếu d5 không có đủ quân để giữ nó, dẫn đến kém một Tốt ở nước đi 23 (Ở đây nếu đen đi: 23. … Mxc3; 24. bxc3 Xxc3; 25. Xd8+ Vf7; 26. Xfd1 Xc7; 27. X1d7+ Xxd7; 28. Xxd7+ Vf8; 29. Xxb7 và Liêm vẫn hơn 1 Tốt).
23. … Td6 24. Xfd1 Tf8 25. Xd7 b6
Sự phát triển quân chưa đều cả 2 cánh đã dẫn đến việc Sơn phải trả giá bởi kém một Tốt và 2 quân Xe của Liêm đã chiếm được cột mở d.
26. Md4 Xxc3 27. bxc3 Xxc3 28. Me6 Xe8 29. Mxf8 Vxf8 30. Xxa7 Xe7
Ngay sau khi Sơn bắt lại được Tốt c3 ở nước thứ 27 thì lại phải trả lại Tốt ở a7 cho Liêm ở nước thứ 30, như vậy bên đen vẫn kém 1 Tốt. Bây giờ ván cờ đã chuyển sang giai đoạn cờ tàn 2 Xe + 4 Tốt (bên đen) chống lại 2 Xe + 5 Tốt (bên trắng). Thế cờ này Liêm cầm chắc phần hòa hoặc thắng, nếu Sơn phòng thủ không chính xác.
31. Xa8+ Vf7 32. Xd2 Xc1+ 33. Vg2 Xb1 34. h4 h5 35. Xc8 Xa7
36. Vf3 Xb5 37. Xcc2 Vg6 38. Ve2 Vf5 39. Vf3 Vg6 40. Xb2 Xba5
Sau 10 nước đi liên tiếp (từ 31 đến 40) hai bên phát triển Vua và Tốt để chuẩn bị xâm nhập vào phòng tuyến của nhau. Sơn chủ động bỏ Tốt b6 để bắt lại Tốt trắng ở a2. Mặt khác một quân Xe đen của Sơn ở a5 chiếm giữ hàng 5 ngăn chặn Vua trắng đột nhập vào phòng tuyến của đen, quân Xe đen còn lại ở a7 bảo vệ quân Tốt yếu ở g7 và giữ vững hàng 7 nhằm thủ hòa.
41. Ve4 Xa3 42. Vd5 X7a5+ 43. Vc6 X3a4 44. Xe2 b5 45. Vc5 Vf5
46. Xed2 b4+ 47. Vc4 b3+! 48. Vxb3 Xa3+ 49. Vc4 X5a4+
Từ nước đi thứ 41 trở đi Liêm quyết định tăng cường thêm quân Vua để tấn công Tốt b6 của Sơn. Đến nước thứ 47 Sơn đi 47. … b3+! Hy sinh Tốt b3 để chiếu liên tục thủ hòa. Có 3 kịch bản sẽ xảy ra: hoặc là Sơn chỉ dùng 1 quân Xe chiếu liên tục cầm hòa, hoặc là Liêm sẽ phải trả lại Tốt a2 và sau đó 2 bên sẽ lại chuyển hướng tấn công lẫn nhau bên cánh Vua, hoặc là một “cạm bẫy bí mật” khác sẽ được giăng ra mà ta sẽ thấy sau vài nước đi nữa…?
50. Vc5 Xa5+
51. Vc6 Xa6+ 52. Vd7 Xa7+ 53. Ve8 g5!
Lúc này “cạm bẫy bí mật” mà Sơn chờ đợi (suốt từ nước đi thứ 47 tới giờ) ở kịch bản 3 đã tới, bởi nếu Liêm không muốn hòa sau nhiều nước chiếu liên tiếp, hoặc nếu không trả lại quân Tốt a2 thì con đường duy nhất là Vua trắng sẽ tiến sâu vào hàng 8 để tấn công vào hàng Tốt đen từ phía sau, hoặc là tiến Xd7 để che đỡ cho Vua khi bị bên đen Xa8+. Đúng lúc ấy nước đi 2 đòn xuất hiện: 53. … g5! Vừa tấn công vào Tốt trắng ở h4 nhằm phá vỡ mắt xích Tốt của đối phương, vừa mở đường cho Xe đen ở a7 chuyển sang h7, dọa đòn “song Xe” kinh điển mà cả ở cờ Tướng lẫn cờ Vua đều có loại đòn này, đe dọa Xa8+ hoặc Xaa7 rồi Xh8 chiếu hết. Liêm phải suy nghĩ rất lâu sau nước đi g5 này của Sơn.
54. hxg5 Xh7 55. gxf6 Xa8+
56. Xd8 Xh8+ 57. Ve7 Xhxd8
Sau “cạm bẫy chết người” ấy Liêm đành chịu mất 1 Xe, song hơn 4 Tốt, vẫn còn hy vọng phản công.
58. f7 Xdc8 59. e4+ Vg6 60. Xb6+ Vg7
61. e5 Xc7+ 62. Ve6 Xxf7 63. f4 h4!
Đến đây mắt xích Tốt g3 - f4 - e5 của Liêm sẽ bị phá vỡ, không còn khả năng phản công nữa, sau đó vài nước đi nữa bên trắng sẽ chỉ còn Xe + Tốt chống lại 2 Xe của bên đen. Cuối cùng đại kiện tướng quốc tế Nguyễn Ngọc Trường Sơn đã thắng ván cờ này ở nước cờ thứ 63.
Sau ván thứ 6 Sơn đạt 5 điểm còn Liêm dừng lại ở 4,5 điểm. Với chiến thắng ấy Cúp vàng HDBank 2014 đã xích lại rất gần với Sơn và làng cờ Vua cho rằng đây là trận chung kết sớm giữa 2 đại kiện tướng quốc tế của Việt Nam tại Giải cờ Vua quốc tế HDBank năm 2014.
Cuối cùng thì Cúp Vàng HDBank 2014 đã về tay “tân vô địch” - đại kiện tướng quốc tế Nguyễn Ngọc Trường Sơn của Việt Nam ./.