Kể chuyện cờ Tướng P7 : Thiên tài Phương Nam

Hơn ba mươi năm trước , nhiều danh thủ đã từng đánh giá kỳ nghệ của Trần Quới bằng bốn chữ "Nhất bộ đăng thiên", ý nói trình độ cờ Tướng của Trần Quới chỉ một bước là lên tới trời..

tran quoi1Trần Quới sinh năm 1957, con của danh thủ Trần Anh Minh – một tay cờ người Hoa khét tiếng hồi thập niên 50 của thế kỷ 20. Nhiều tay cờ giang hồ nghe tên anh Lác- một biệt danh của Trần Anh Minh, đều khiếp đảm vì anh ta đi cờ nhanh như gió và ra đòn rất độc địa. Ngày trước có lần Trần Anh Minh lên xứ Chùa Tháp gặp lúc cộng đồng người Hoa ở đây tổ chức giải vô địch, anh ghi tên tham dự và đoạt được Cúp, khiến quần hùng ở PhnomPenh tôn vinh anh ta là Kỳ Vương Nam Vang. Như vậy Trần Quới là con của kỳ vương Lác nên cũng mang biệt danh như cha là Lác chảy, nghĩa là Lác con, ai hiểu là con của Lác cũng không sai. Bạn bè rất thích gọi biệt danh này, mà Trần Quới thì không bao giờ tỏ ra khó chịu hay phản đối, bởi bản thân anh không hề bị tí lác nào !

Do hoàn cảnh rất nghèo, Quới phải bỏ học từ năm lớp 8 để đi giang hồ kiếm sống bằng nghiệp đánh cờ của cha. Dáng tầm thước, gương mặt sáng láng, đôi mắt hơi nhỏ nhưng linh động, thông minh, khiến Trần Quới có vẻ điển trai là đằng khác. Quới suy nghĩ tính toán các nước cờ cực kỳ nhanh lẹ. Đặc biệt trong những thế cờ căng thẳng, anh luôn tìm được những nước đi chính xác nhằm củng cố thế trận mình và gây lúng túng cho đối phương. Nhiều người kể chính Trần Anh Minh dạy cho Quới những nước đi đầu tiên trong chơi cờ, nhưng sau đó Trần Quới tự mày mò theo dõi, học tập và thỉnh thoảng về nhà mới hỏi cha vài chỗ khó mà thôi.

Lần đầu tiên Quới làm ngạc nhiên làng cờ là năm 1977, tại giải Mừng Xuân. Lúc đó Quới đúng 20 tuổi và mặc dù tại giải này anh không thành công nhưng đã để lại một dấu ấn sâu sắc. Ngay 2 ván thua danh kỳ Lý Anh Mậu cũng là 2 ván lịch sử mang đầy kịch tính, vừa chứng tỏ sự thông minh của Quới vừa cho thấy sự non nớt của một con tuấn mã vừa mới trưởng thành. Không phải đợi lâu, ngay giải Mừng Xuân năm sau 1978, Quới đã vươn mình lớn nhanh như Phù Đổng, dũng mạnh đè bẹp quần hùng, đoạt chức vô địch một cách oanh liệt. Những danh kỳ lỗi lạc một thời, như Phạm Thanh Mai, Hứa Kim Thành, Trần Đình Thủy và Phạm Tấn Hòa đã phải nhường bước cho sức trẻ tiến lên. Năm 1979, tại giải Các Danh thủ hàng đầu của TPHCM , Trần Quới chiếm giữ ngôi Quán quân một cách thuyết phục trước các đàn anh. Rồi liên tiếp các năm sau, Trần Quới luôn khẳng định ví trí số 1 của mình tại các giải lớn nhỏ của TPHCM .Thời kỳ này, Quới mạnh dạn đi chơi cờ giang hồ từ các tỉnh, thành phía Nam ra đến miền Trung. Bất cứ nơi nào có tay cờ nổi tiếng, anh đều tìm đến khiêu chiến. Các cao thủ miền Trung nổi tiếng lúc bấy giờ như Nguyễn Thọ Phú, tức Xí (Nha Trang), Nguyễn Minh Trưng (Quy Nhơn) ,Phan Hiền Khánh(Phan Thiết), Hà Hồng Quan(Mỹ Tho)… đều đã so tài và tất cả đều là bại tướng của Trần Quới. Danh thủ Phan Hiền Khánh của Phan Thiết là tay cờ nhiều năm vô địch tại địa phương này, xưa nay chưa hề lùi bước trước bất cứ cao thủ nào ở suốt dải miền Trung. Thế mà khi gặp Trần Quới, anh bị đánh bại liên tục để cuối cùng Trần Quới phải chấp anh 1 Mã mà anh vẫn thua ! Sau này Phan Hiền Khánh nhớ lại và nói với bạn bè:” Trong cuộc đời chơi cờ của tôi, người mà tôi khâm phục nhất là Trần Quới. Vào thời kỳ tôi sung sức thế mà chú nhóc Lác chảy chấp tôi 1 Mã mà tôi vẫn thua , thì thử hỏi có tức không?"

Trong một thời gian dài từ những năm 1980 đến 1982, tại nhà Văn hóa Quận 5 (Đại thế giới) có tổ chức một kỳ đài mà người thủ đài chính là Trần Quới. Luật chơi trước nay vẫn thế: ai thắng được đài chủ sẽ được thưởng và sẽ thay làm đài chủ mới. Vậy mà không một cao thủ nào hạ được Trần Quới. Có một lần, vào Mùa Xuân năm 1978, Phòng VHTT huyện Thuận An, tỉnh Sông Bé nay thuộc Bình Dương có tổ chức một trận đấu biểu diễn cờ Tướng : Trần Quới bịt mắt đánh cờ mù cùng một lúc với hai đối thủ mở mắt, đánh 2 bàn cờ riêng biệt. Thế mà Quới thắng cả hai. Tất cả những thành tích và tài năng tuyệt vời trên khiến khách mộ điệu bàn son quân ngà khâm phục gọi anh là thiên tài cờ Phương Nam.

Khoảng những năm 1983 -1984, có một tay cờ khá cao ở Hải Dương vào TPHCM , gặp cao thủ Hoàng Đình Hồng ( nay là HLV Trưởng đội tuyển QG) nói : "Ở đây có ai dám chấp tôi 1 con Mã không? Nếu có thì đánh cá cược bao nhiêu tôi cũng đánh." . Vài hôm sau , Hoàng Đình Hồng dẫn Trần Quới đến giới thiệu và hóa ra người khách lạ này chính là anh Hồng ở Hải Dương, một cao thủ cờ Tướng rất nổi tiếng ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Chính Kỳ Vương đất Bắc Nguyễn Tấn Thọ cũng nói mình chỉ có thể chấp Hồng Quán trọ - biệt danh của anh Hồng Hải Dương – một nước mà thôi. Thế mà Trần Quới đã chấp anh Hồng Quán trọ 1 Mã và đánh suốt hai ngày hai đêm. Kết quả Trần Quới thắng tổng cộng 5 ván khiến làng cờ miền Bắc rung động !

Còn chuyện sau đây do Lê Thiên Vị (nguyên HLV đội tuyển QG và TPHCM) chứng kiến kể lại : Trên đường Lạc Long Quân (Quận 11) có một tay rất mê cờ khiêu khích Trần Quới : " Nghe nói chú mày đánh cờ mù giỏi. Thế chú mày có dám đánh cờ mù chấp ta mở mắt không. Nếu mày chịu , ta sẽ chấp lại mày 1 con Xe với một điều kiện ?" . Trần Quới trả lời không do dự : " Sẵn sàng chấp ! Điều kiện gì, ông thử nói xem ? " . Tay cờ nọ nghiêm chỉnh nói : " Tao sẽ chấp lại chú mày 1 con Xe, nếu chú mày đồng ý cho ta đi một nước kín. Nghĩa là trong suốt ván cờ diễn ra, ta sẽ đi một nước nhưng không nói ra ta đi nước gì. Ta chỉ nói rằng ta đi nước kín! Lúc đó đến lượt chú mày đi. Nếu chú mày đi mà phạm luật thì chú mày bị xử thua. Ta nói như vậy, chú mày hiểu rõ chứ?" . Trần Quới đồng ý và thế là dưới sự chứng kiến của hàng chục người, bạn bè của hai bên, Trần Quới đã thắng cược liên tục mà không bao giờ vi phạm luật , khiến tay mê cờ kia thua quá chạy luôn, không dám chơi nữa ! Khi kể lại chuyện này, ngay ông Lê Thiên Vị cũng rất khâm phục Trần Quới và cũng không đoán ra được nhờ bí quyết gì mà Quới biết được nước cờ kín kia.

Ai chơi cờ, trí nhớ cũng đều tốt, nhưng trường hợp Trần Quới trí nhớ rất lạ thường. Chơi cờ, nhiều người đọc hết sách này qua sách khác mà chẳng nhớ bao nhiêu, còn Trần Quới chỉ học lóm mà nhớ không sót một biến hay phương án nào. Nhiều ván cờ đấu sau mấy tháng mà anh vẫn có thể biểu diễn lại không sai một nước. Nhờ có trí nhớ đặc biệt nên khi đã thua ai trận nào, thua chỗ nào, Quới cũng nhớ rất lâu và không bao giờ phạm phải lần thứ hai những sai lầm cũ . Một nhà nghiên cứu cờ nhận định về trình độ và tài năng của Trần Quới thời kỳ Quới đang ở đỉnh cao, vào năm 1988 như sau : “ Quới suy tính như thần long biến hóa, thấy đầu mà không thấy đuôi. Khi thắng thế thì bao giờ cũng thắng, lúc thất thế lại rất khéo léo thủ hòa. Lối chơi công, thủ kiêm toàn, đúng là một tài năng hiếm thấy.” Ở thời điểm này , Trần Qưới sẵn sàng chấp bất cứ danh thủ hàng đầu nào 1 nước Tiên và anh chưa bao giờ thất bại ! Các Kỳ Vương Trung Quốc và Hongkong như Hồ Vinh Hoa , Lý Chí Hải ..cũng khen ngợi hết lời khi xem một số ván đấu của Qưới.

Là một thiên tài , Quới chỉ cần nhìn qua một thế cờ, là đã có thể dự đoán ngay được diễn biến sắp tới. Đáng lẽ với tài phán đoán như thế, Quới cũng nhìn thấy trước được diễn biến của cuộc đời mình để tìm một phương án ổn thỏa nhất. Nhưng rất tiếc ở giai đọan lịch sử cuối thập niên 80, do nhiều nguyên nhân tác động khiến Trần Qưới ra đi tìm cuộc sống mới và mất tích giữa biển khơi kể từ đó. Càng tiếc hơn khi chỉ vài năm sau làng cờ Việt Nam mở cửa hội nhập với bạn bè thế giới , năm 1993 kỳ thủ Sài Gòn Mai Thanh Minh gây dấu ấn đầu tiên khi thủ hòa cả 2 danh thủ Trung Quốc là Triệu Quốc Vinh và Từ Thiên Hồng. Rồi liên tiếp những ván đấu có thắng có thua của các danh thủ Việt Nam trước đối thủ Trung Quốc hùng mạnh khiến người hâm mộ nức lòng, đồng thời cũng tạo nên sự tiếc rẻ là phải chi còn thiên tài Phương Nam Trần Quới....


alt

Nhị Ác Lê Nhị Trí (trái) và Tam Ác Trần Quới (phải) vào những năm 80 thế kỷ trước...