(Vietnamchess) Sự kiện Lê Quang Liêm đoạt chức vô địch Aeroflot lần thứ 2 liên tiếp cùng với những sự thành công gần đây của các kỳ thủ trẻ châu Á đã làm chấn động làng cờ vua phương Tây. Giải thích nguyên nhân của sự thành công này, Tiến sĩ luật người Đức René Gralla cho là có thể do phong cách chơi cờ của người châu Á thiên về tấn công và không chịu khuất phục, điều đó thể hiện trong cách mà họ đam mê và thi đấu trò chơi cờ tướng. Cờ tướng cũng đi vào nếp sống văn hóa không thể thiếu được trong các lễ hội cổ truyền của dân tộc.
Bài viết của Tiến sĩ René Gralla thể hiện quan điểm riêng của tác giả, nên có thể không phù hợp với suy nghĩ của một số bạn đọc. Tuy nhiên đây cũng là một bài viết hay của một kỳ thủ cờ vua lão thành, chuyên gia nghiên cứu văn hóa phương Đông và cũng là một nhà báo tự do cộng tác với nhiều tòa báo tiếng Đức trên thế giới.
Vietnamchess xin gửi đến các bạn bài dịch từ tiếng Đức của tác giả tại link gốc https://chessbase.de/nachrichten.asp?newsid=11400.
Chân thành cám ơn bạn Phước Trung, Nguyễn (sinh viên Đại học Münster, Đức) đã gửi chúng tôi bản dịch này.
Những con Hổ Á Đông đại náo làng cờ phương Tây
(Lời dẫn của Chessbase.de) Mặc dù vẫn còn nhiều điều chưa rõ ràng nhưng cho đến nay người ta vẫn tin rằng môn cờ có nguồn gốc từ Ấn độ. Trong khi đó thì người Bắc kinh lại khẳng định môn cờ đã tồn tại từ rất lâu và khởi nguồn từ trận chiến tại Cai Hạ, Trung Hoa vào năm 202 trước Công Nguyên; Lúc đó nhà Hán mở tiệc ăn mừng chiến thắng nhà Chu tại tỉnh An Huy, thống nhất toàn Trung Hoa. Từ đó trận chiến ở An Huy được người đời sau tái hiện trong một trò chơi cờ gọi là xiangqi, mà ở Việt Nam được gọi là cờ tướng. Trong khi ở phương Tây trò chơi cờ vua chỉ được số ít những người chuyên nghiệp tập luyện, thì cờ tướng ở Đông Á phổ biến đến mọi ngóc ngách đường phố. Phần lớn những ai đã từng học cờ từ đường phố thường đạt sự thành công trên đấu trường cờ châu Âu như một điều hiển nhiên theo nhận định của bậc thầy về cờ vua châu Á Tiến sĩ René Gralla:
Bí mật của Tết – Điều gì đã làm cho những tiểu hổ châu Á mạnh đến như vậy
Chàng tiểu hổ trẻ tuổi Lê Quang Liêm ở thành phố Hồ Chí Minh (trước đây là Sài gòn) lại một lần nữa khẳng định đẳng cấp của mình bằng việc bảo vệ thành công chức vô địch hồi năm ngoái với chiến thắng tại giải Aeroflot 2011 ở lứa tuổi 20. Sự thành công này lại làm tiếp tục nổi lên hiện tượng cờ vua Á Châu mà Việt Nam đã khởi đầu vào năm 2010 sau chiến thắng của Liêm ở Moscow; Sau đó Liêm lại tiếp tục giành hạng nhì một cách kịch tính ở giải cờ vua Dortmund Sparkassen mở rộng vài tháng sau đó. Cũng vào năm 2010 tại Biel, một kỳ thủ trạc tuổi Liêm đến từ Việt Nam, Nguyễn Ngọc Trường Sơn chỉ hỏng một ván cờ chớp tie-break với siêu kỳ thủ người Ý Fabino Caruano mà chức vô địch vụt đi trong gang tấc.
Những mãnh hổ châu Á đang tiến lên. Lê Quang Liêm và Nguyễn Ngọc Trường Sơn là đại diện cho những cao thủ của một thế hệ mới, trưởng thành từ những quốc gia đang phát triển như Việt Nam và Trung Quốc, mà ở đó họ sẽ không tỏ ra e ngại chút nào trước những đại kiện tướng hàng đầu của FIDE – điển hình như Hou Yifan của Bắc Kinh, 16 tuổi, hiện là nhà vô địch nữ thế giới trẻ nhất trong lịch sử cờ vua.
Từ đâu mà những người mới vào nghề của môn cờ vua lại có được sức mạnh và sự sắc sảo như vậy?
Có thể là do xiangqi ở Trung quốc hay cờ tướng ở Việt Nam đều được xem là một môn thể thao trí tuệ, là một loại cờ có xu hướng tấn công với một luật chơi thông thoáng nên được giới bình dân ưa chuộng và xuất hiện ở mọi nơi. Ta có thể so sánh vai trò của cờ tướng với bóng đá đường phố ở Nam Mỹ và môn bóng đá nói chung. Những đứa trẻ con ở Barrio chỉ chơi bóng đá trên mặt đường nhựa và đầy đất cát, vậy mà có thể đủ sức để so tài ở Champion League; thì ở môn cờ tướng cũng vậy, những kỳ thủ trưởng thành từ cờ tướng đường phố chắc rằng sẽ có đủ tư cách để so tài ở những giải đấu của FIDE.
Ngay tại lúc này, những du khách nước ngoài có thể nhận thấy được ngay tính phổ cập của môn cờ tướng ở Đông Á khi họ đến Việt Nam. Ngay trong những tuần lễ sau ngày Tết Tân Mão 3.2.2011 (đối với người Trung Quốc đây là năm con thỏ), người ta thấy có một trận đấu cờ ngoài trời được tổ chức một cách ngoạn ngục trên sân khấu với những quân cờ là người thật trong trang phục hóa trang lộng lẫy để phục vụ những khán giả vui xuân.
Cuộc chơi của những vị Tướng
Ngay giữa thung lũng xanh ngát, một con đường mòn dẫn đến một ngôi đền yên tĩnh, trông như một khu nghỉ mát nếu như không có những ô vuông trắng nằm xen kẽ nhau phản chiếu ánh nắng bình minh. Có một hình vuông với độ lớn bằng một sân bóng đá với những viên đá tròn to như những bánh xe tải được phân phối đều trên bề mặt vuông đó.
Đây là một sân chơi, điều đó thì rõ ràng rồi, nhưng trong sân chơi này phần chủ đạo không phải là để vận động cơ thể, mặc dù không thể chối cãi được là để dịch chuyển những tảng đá khổng lồ kia đòi hỏi phải có sức khỏe. Chính xác hơn thì cái bề mặt vuông này nằm ở Đại Lý thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, một bàn cờ xiangqi theo cách gọi của người Hoa hay là cờ tướng theo cách gọi của người Việt.
“Xiangqi” hay “Cờ Tướng” thực ra cũng chỉ là một loại cờ. Ở một nữa bán cầu phía đông thì hình ảnh những vị võ Tướng thể hiện trong trò chơi này rất được tôn trọng, nên người ta mới dựng lên những quân cờ khổng lồ này ngay giữa thiên nhiên tươi đẹp để tôn vinh nó. Chưa hết, sự quan trọng và tôn vinh của bộ môn cờ này đã được thể hiện từ cái tên của nó rồi, Xiangqi được dịch nghĩa là Tượng kỳ, cuộc chơi của quân Tượng hay Cờ Tướng dịch nghĩa là cuộc chơi của những vị Tướng.
Cờ tướng được tôn trọng đến độ cũng được Văn phòng Chính phủ quan tâm; Như hồi tháng 4.2010, một số kỳ thủ Đức đến Hà Nội để tham dự cuộc đấu hữu nghị nhân dịp kỷ niệm 35 năm thiết lập ngoại giao giữa Đức và Việt Nam; Trong đoàn có 3 kỳ thủ dẫn đầu là Elisabeth Pähtz, Tiến sĩ Robert Hübner và Jan Gustafsson. Vì ý nghĩa quan trọng của cuộc giao đấu hữu nghị này nên những vị khách phương Tây đã có cuộc đấu khác thường là không chỉ so tài bằng cờ vua, mà họ còn phải so tài bằng cờ tướng theo lời yêu cầu của phía bên Việt Nam. Tiến sĩ Hübner đã dũng cảm chấp nhận yêu cầu khác thường này. Thì ra là họ đã tính trước vì muốn thử sức Tiến sĩ Hübner chứ không phải là một ai khác.
Ông Tiến sĩ Cổ ngữ học này đã từng đụng độ với vận động viên vô địch cờ tướng của Trung quốc Hồ Vinh Hoa vào ngày 22.2.1989.
Chưa hết đâu, vào tháng 4 năm 1993, lần đầu tiên ông Hübner đến Bắc Kinh để tham dự Giải vô địch cờ tướng thế giới mà đã xuất sắc đạt được vị trí trung bình trong bảng xếp hạng, một thành tích khá ấn tượng. Tuy nhiên sau đó một khoảng thời gian dài ông không thi đấu cờ tướng nữa cho đến khi sự trở lại bất ngờ ở Hà Nội năm 2010. Sau cuộc thảo luận với huấn luyện viên Uwe Bönsch thì cuộc thi đấu hữu nghị gồm môn cờ vua và môn cờ tướng, xuất phát từ quan điểm giữ gìn bản sắc dân tộc và vì nó có ý nghĩa đặc biệt đối với Hà Nội trong năm 2010.
Thật ra cờ tướng cũng có nhiều điểm tương đồng với cờ vua. 2 quân cờ quan trọng trong thể loại cờ châu Á này là quân Xe và quân Mã có tầm hoạt động cũng giống như quân Xe và Mã trong cờ vua; Đích đến cuối cùng của cuộc chơi là phải hạ bệ được “quân Tướng” tương ứng với “quân Vua” trong cờ vua. Thậm chí cờ tướng còn là môn cờ đã sản sinh ra cờ vua sau này, điều này được các chuyên gia ở Bắc Kinh đồng tình công nhận. Sự tái hiện một trận chiến không thể nào tới tận thế kỷ thứ 5 sau công nguyên mới được sáng lập ở Ấn độ được, có thể là do một thời gian dài ý kiến của phần lớn các tài liệu khoa học đều cho là như vậy.
Nó đã có thể bắt đầu từ cách đây gần nữa thiên niên kỷ ở Trung quốc, khi mối quan hệ giữa nhà Hán và nhà Chu ngày càng gay gắt, với đỉnh cao là trận chiến đẫm máu ở Cai Hạ năm 202 trước công nguyên (gần huyện An Huy tỉnh Tô châu ngày nay), quân Hán thắng trận và lập nên triều đại nhà Hán.
Một biến cố định mệnh được tái hiện trên một bàn cờ với 90 ô di chuyển trong một quy mô thu nhỏ. Quân màu Đỏ tượng trưng cho quân nhà Hán, còn quân Đen là nhà Chu, cả hai bên cùng cố sức để vượt qua một con sông chắn ngang để tấn công đối phương. Ngoài sự góp mặt của quân Tượng, phía sau còn có quân Pháo bọc hậu. Quân cờ này tương ứng với hình tượng của “xe bắn đá” thời đó và sau này được đổi tên thành “quân Pháo” trong khoảng thời gian phát hiện ra thuốc súng được ghi nhận trong quyển binh sử năm 1044 của Trung quốc “Vũ kinh tổng yếu”.
Ngày nay cờ tướng xứng đáng tự hào là trò chơi trên bàn phổ biến nhất thế giới. Số lượng người chơi cờ tướng trên toàn cầu được tính đến khoảng nửa tỉ người. Một mình Việt Nam thôi đã có khoảng 10 triệu người, tức khoảng 11% dân số; trong khi đó chỉ có khoảng 1,2% dân số Đức là thành viên trong hội cờ vua, thật là một con số giản dị.
Bắc Kinh và Hà Nội đang thúc đẩy chuyện đưa cờ tướng làm biểu tượng tiêu biểu cho di sản văn hóa dân tộc. Có giải thi đấu được thể hiện trên sân khấu như một màn trình diễn âm nhạc của MTV; Như ở lễ bốc thăm cho giải Shanghai super cup năm 2009, ngoài vận động viên đến từ Phần Lan còn có cả vận động viên người Đức Stephan Bradler từ Braunschweig đều nhận được phiếu bốc thăm từ những cô tiếp viên dễ thương trong những trang phục ngắn.
Môn cờ châu Á luôn nhận được sự hâm mộ của mọi tầng lớp. Ở thủ đô Hà Nội, những tay đạo cờ thường chiếm hết mọi ghế đá trên những con đường vòng quanh Hồ Hoàn Kiếm.
Một hình tượng khác cũng thể hiện sự hâm mộ đó là ngày hội gặp gỡ của Hội người yêu cờ tướng ở Cần Thơ (một thành phố đang phát triển mạnh ở đồng bằng sông Cửu Long). Ngày hội được diễn ra bên cạnh một bờ hồ dưới bóng của bức tượng Hồ Chí Minh vĩ đại đang vẫy chào thân thiết. Hình tượng đó làm cho mỗi chiến thắng tăng thêm phần ý nghĩa, cứ như là một hành động thể hiện lòng yêu nước, bởi vì chính Bác Hồ đã rất tôn trọng cờ tướng và thậm chí còn đưa cờ tướng vào những dòng thơ đầy nhiệt huyết của mình.
Ngày và đêm ở Sài Gòn, thành phố Hồ Chí Minh thì lúc nào cũng nóng, đúng là tiết trời dành cho những cho những buổi hội hè vui vẻ, nhưng điều đó không có nghĩa là trong một thành phố với đa dạng những loại hình giải trí như Sài Gòn mà không có thời gian dành cho cờ tướng. Ngược lại, Sài Gòn năng động lại là một pháo đài lớn của cờ. Những người yêu cờ tướng thường tụ tập ở góc phố như Sư Vạn Hạnh hay những quán cà phê vườn ở Gò Vấp.
Cái không khí thoải mái của miền nhiệt đới cộng với những buổi thi đấu ngoài trời này dễ làm mờ mắt những du khách mới đến. Họ khó có thể ngờ rằng những tô phở hay một hai chai bia Sài Gòn trên bàn kia lại là những chiến lợi phẩm đầu tay của những cao thủ trong tương lai. Bởi vì những ngày hội cờ tướng này thực ra là mái trường học đầy chông gai cho những kỳ thủ Việt Nam, để rồi sau đó từ con số không, họ dễ dàng hòa nhập vào môi trường thi đấu của FIDE và thành công một cách rực rỡ.
Ví dụ kinh điển nhất hiện nay là đại kiện tướng Lê Quang Liêm, người đã 2 lần vô địch giải Aeroflot ở Moscow, hạng nhì giải Sparkassen Chess-Meeting Dortmund 2010, xếp trên cả nhà vô địch kỷ lục Vladimir Kramnik.
Từ người ngoài cuộc trở thành nhà thu thập chức vô địch, vậy bí mật của một sự nghiệp từ con số 0 lên đến 100 là gì...“Cờ Tướng”!
Là Cờ Tướng sao?
Thật ra cờ tướng gần gũi với cờ vua của FIDE hơn so với những ấn tượng ban đầu mà mọi người thường nghĩ. Nếu người ta đổi những quân cờ mặt chữ Hoa thành những quân cờ tương ứng trong cờ vua, thì sẽ dễ nhận thấy sự tương đồng đến bất ngờ giữa 2 loại cờ. Ngoại trừ điểm khác biệt rõ nhất là quân cờ tướng được đặt trên những giao điểm của ô vuông chứ không nằm trên ô vuông, một kỹ thuật chơi được giao ước dựa trên quy tắc cổ của cờ vây.
Hầu hết những nhân tài cờ của Việt Nam đều được các Ông hay Bố của mình dạy làm quen với cờ dưới dạng cờ tướng trước tiên trong khoảng từ 5 tới 6 tuổi.
Phong cách đánh cờ của người Châu Á thiên về tấn công, rào chắn mà không vững thì sẽ nhận hậu quả đích đáng và chuyện rút quân về thủ chỉ được phép trong những trường hợp cực kỳ đặc biệt. Nếu so sánh bóng đá với thể thao trí tuệ thì cờ tướng cũng giống như bóng đá đường phố ở Nam Mỹ. Trên đường nhựa và đầy đất cát, những cậu bé ở Barrio rèn luyện được sự nhạy bén và nhanh nhẹn để đủ sức thi tài tại Champion League. Thì tương tự những cậu bé vàng của châu Á phối hợp những tinh hoa của cờ tướng đường phố để thi thố trên đấu trường FIDE.
Một sự so sánh khập khiễng chăng? Không đâu! Ai không tin thì hãy thử quan sát sự hào hứng và đam mê của đám đông những khán giả Việt Nam khi xem một trận đấu cờ tướng ngoài trời thì sẽ rõ.
Đó là những trận đấu hết sức nghiêm túc. Tướng quân truyền lệnh với khẩu hiệu hùng hồn đến các quân cờ là những diễn viên người thật, trong trang phục cổ xưa, thi hành mệnh lệnh của Tướng quân và biểu diễn một màn biến tấu võ thuật điêu luyện mà gần như không cần có sự sắp xếp từ trước nào. Những sự kiện như vậy là một phần không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa ở những dịp Tết cổ truyền; Ngoài ra trong dịp hè “cờ người” cũng được dành để phục vụ khách du lịch như ở Nha Trang.
Ai có thể ngờ rằng cờ tướng lại có thể lôi cuốn đám đông đến như vậy. Và thêm một điểm bất ngờ nữa cho những người chơi cờ phương Tây, một điều mà họ có nằm mơ cũng không nghĩ tới đó là môn cờ còn có thể được dùng để làm quen bạn gái.
Phụ nữ Việt Nam biết cách nhận xét người yêu của mình qua cách chơi cờ của họ. Có một bật mí nhỏ có thật là ở quận Gò Vấp, ngoại ô Sài Gòn, một khu vực khá cuồng si cờ tướng. Trong những nhà hàng rất lịch sự có rất nhiều cô gái quyến rũ sẵn sàng nhận lời thách thức của bạn với một khoảng tiền độ nho nhỏ. Với nụ cười trìu mến, thông minh và sắc sảo, nàng sẵn sàng làm cạn túi tiền của bạn tới nơi tới chốn.
Và sau khi những chàng Machos (tiếng Ý dành cho những người đam mê nét đẹp của phụ nữ) của chúng ta trở nên trầm cảm sau cuộc gặp gỡ với nàng, cần có một nơi để bình tâm thì Chùa Vua ở Hà Nội chắc sẽ là một nơi rất thích hợp.
Ngôi đền này thờ nhà sư Đế Thích, người được người ta truyền miệng là người chơi cờ giỏi nhất của mọi thời đại. Để tỏ lòng tôn kính đối với vua Thích, các trận thi đấu cờ người thường được tổ chức ở trong đại sảnh của ngôi đền.
Cờ người trong y phục truyền thống của người Việt Nam là một cảnh tượng thật truyền cảm, đây là một bài học sống động cho những người bảo thủ, những người luôn cho rằng môn cờ quá rắc rối và khô khan để có thể được đưa lên phương tiện truyền thông đại chúng.
Giải pháp rất đơn giản, hãy mua vé đến thăm Việt Nam để rồi sẽ được ngạc nhiên và học hỏi. Và biết đâu một ngày nào đó trong một trang báo thể thao nọ, bạn sẽ nhìn thấy tấm hình của một cậu bé thông minh nào đó, và chợt nhận ra rằng đó là cậu bé mà đã từng đánh bại mình bằng cờ tướng ở trong một quán phở ở một góc phố hẻo lánh nào đó trên bờ sông Sài Gòn.